Theo bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ con đường phát triển đất nước, theo đó đề cao lợi ích của giáo dục “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Học sinh Việt Nam được học tập ở một trong những hệ thống giáo dục tốt trên thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tính tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn so với cả học sinh ở Anh và Canada, các quốc gia giàu hơn gấp 6 lần. Điểm số của học sinh ở Việt Nam không cho thấy sự bất bình đẳng về giới tính và vùng miền, vốn phổ biến ở các quốc gia khác.
Bài báo cho rằng trẻ em Việt Nam học nhiều hơn ở trường, nhất là trong những năm đầu đời. Một trong những lý do nữa là năng lực giảng dạy hiệu quả của giáo viên. Trong một nghiên cứu năm 2020 do Trường Kinh tế Stockholm thực hiện, dữ liệu từ các bài kiểm tra do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện cho thấy trẻ em Việt Nam trong nhóm tuổi 5-8 vượt bạn đồng lứa ở các nước khác.
Cứ thêm một năm học ở Việt Nam, khả năng giải toán của học sinh Việt Nam tăng 21%, trong khi mức tăng của học sinh ở Ấn Độ là 6%. Theo một nghiên cứu công bố vào năm 2022 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ), 56 trong tổng số 87 quốc gia đang phát triển ghi nhận chất lượng giáo dục xuống cấp kể từ những năm 1960. Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia có các trường học đi ngược lại xu hướng này.
Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra những thách thức đối với hệ thống giáo dục Việt Nam như còn thiếu đào tạo kỹ năng, quản lý nhóm; quá tải các trường học ở đô thị; giáo viên bỏ nghề để làm công việc lương cao hơn trong khu vực tư nhân. Đây là những vấn đề Việt Nam cần xử lý để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt.