Theo đó, trong bảng xếp hạng này, Việt Nam có các cơ sở đào tạo đại học là Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). ĐHQGHN thuộc tốp 1.000 cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới, đồng thời, ĐHQGHN cũng được xếp thứ 241 ở khu vực châu Á.
Xếp hạng trong tốp 5 trường đứng đầu châu Á vẫn là những trường quen thuộc đến từ Trung Quốc, Singapore, Ả Rập Xê Út như: Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) tốp 1 châu Á và thứ 26 thế giới; Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) tốp 2 châu Á và thứ 29 thế giới; Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tốp 3 châu Á và thứ 33 thế giới; Đại học King Abdulaziz (Ả Rập Xê Út) tốp 4 châu Á và thứ 44 thế giới; và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) tốp 5 châu Á và thứ 45 thế giới.
Tạp chí U.S News & World Report ngoài việc tập trung vào xếp hạng các trường đại học, cao đẳng của Hoa Kỳ, đã thực hiện và công bố Bảng xếp hạng Best Global Universities (Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất toàn cầu) để đáp ứng nhu cầu người học ở Hoa Kỳ mở rộng ra ngoài các trường đại học trong nước; đồng thời giúp các trường đại học của Hoa Kỳ có thể so sánh với các trường đại học khác trên thế giới.
Kỳ xếp hạng năm 2022 có 2.005 trường đại học thuộc 90 quốc gia tham gia, trong đó có 1.750 trường được xếp hạng. Best Global Universities đánh giá và xếp hạng các trường đại học dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp.
Trước đó, ĐHQGHN cũng đã quyết định thành lập Trường Quốc tế và Trường Quản trị và Kinh doanh trên cơ sở tổ chức lại hai khoa tương ứng. Hai trường mới này sẽ là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch; được tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật.