Ngày 28-11, Bộ Y tế thông tin chính thức về việc triển khai các biện pháp phòng chống biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế, ngày 25-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi: như Nam Phi, Botswana.
Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24-11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến thể khác (biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến thể Delta).
Tại Việt Nam, đến nay, qua giám sát dịch tễ, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến thể Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến thể Omicron, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong cả nước chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia, gồm: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến thể của virus SARS-CoV-2 nhằm đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
* Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 1.712 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 958.636 người. Hiện có 6.096 bệnh nhân nặng đang phải thở oxy, thở máy và ECMO. Đồng thời, cả nước ghi nhận 190 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố. Về tiêm chủng, đến nay, tổng số mũi vaccine đã được tiêm là hơn 118,7 triệu mũi.
Bộ Y tế cho biết, đến ngày 28-11, cả nước có 32 tỉnh, thành phố đang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Hiện, có hơn 3,2 triệu trẻ em trong độ tuổi trên đã tiêm vaccine Covid-19, đạt tỷ lệ bao phủ gần 30% dân số trong độ tuổi này. Trong đó, gần 2,7 triệu trẻ đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19, còn lại tiêm đủ 2 mũi vaccine.
* 2 học sinh tử vong sau tiêm vaccine Covid-19
Liên quan đến vụ 4 học sinh THPT tại huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer, chiều 28-11, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang, cho biết, hội đồng chuyên môn đã họp đánh giá sự cố tiêm chủng này. Bước đầu xác định 4 học sinh bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 là do cơ địa, không phải do lỗi quy trình tiêm chủng, không liên quan đến chất lượng vaccine.
Trong 4 học sinh bị sốc phản vệ, có 2 em được điều trị tại Trung tâm Y tế Sơn Động, đến chiều 28-11 sức khỏe đã ổn định, được xuất viện. 2 trường hợp còn lại bị sốc nặng, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), trong đó 1 em sức khỏe ổn, em còn lại đã tử vong.
Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang cũng cho biết, theo kế hoạch, tỉnh có 173.977 học sinh trong độ tuổi 12-17 được tiêm vaccine và hiện tỉnh tiếp tục tiêm cho học sinh trong độ tuổi trên.
* Tối 28-11, đại diện Trung tâm Y tế huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ việc một nữ sinh lớp 9 tử vong sau một ngày tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer.
Trước đó, sáng 27-11, nữ sinh này được tiêm vaccine Covid-19 theo kế hoạch của trường và y tế địa phương. Trước khi tiêm, nữ sinh được các bác sĩ khám sàng lọc. Đến sáng 28-11, nữ sinh có vấn đề về sức khỏe, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã tử vong.