Câu chuyện chống dịch của Việt Nam đã được không ít nước đem ra phân tích mổ xẻ, đặc biệt trong bối cảnh dịch đang diễn biến ngày càng nguy hiểm ở các nước châu Âu, Mỹ và cả những nước ở gần Việt Nam như Thái Lan, Nhật Bản…
Quyết tâm chính trị mạnh mẽ
Không giống những nước khác hiện đang chứng kiến các ca lây nhiễm và tử vong trên quy mô lớn, Việt Nam thành công nhờ đã hành động sớm và quyết liệt. TS. Todd Pollack thuộc Tổ chức Đối tác vì Tiến bộ Y tế của Đại học Harvard tại Việt Nam, cho biết: “Khi bạn đang đối phó với những loại mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn, tốt hơn hết nên phản ứng quá mức”.
Thành công của Việt Nam đã mang lại không ít sự kinh ngạc cho các nước trên thế giới, vốn dự báo Việt Nam có thể trở thành tâm điểm thứ hai của đại dịch do chia sẻ đường biên giới với Trung Quốc, lại có hệ thống y tế thuộc loại thấp. |
Quyết tâm chính trị trong chống dịch của Việt Nam thể hiện thông qua những chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp ngày 20-3 đánh giá về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 1, như: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn”. Về giải pháp “cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động, bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất"; “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”…
GS. Thwaites cho biết: “Đây là một quốc gia đã đối phó với rất nhiều đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ, từ Sars năm 2003 đến cúm gia cầm năm 2010 và các đợt bùng phát lớn bệnh sởi và sốt xuất huyết. Chính phủ và người dân đã rất quen với việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm và nghiêm túc hơn nhiều so với các quốc gia giàu có hơn. Họ biết cách ứng phó với những điều này".
Cực đoan nhưng cần thiết
GS. Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TPHCM, cho biết: “Chính phủ đã cực kỳ nhanh chóng hành động theo những cách có vẻ khá cực đoan vào thời điểm đó, nhưng sau đó được chứng minh là khá hợp lý”. Việt Nam ban hành các biện pháp mà các nước khác sẽ mất nhiều tháng để thực hiện, bao gồm hạn chế đi lại, giám sát chặt chẽ và cuối cùng là đóng cửa biên giới với Trung Quốc, tăng cường kiểm tra y tế tại biên giới và những nơi rủi ro khác. Học sinh trước đó đã được nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng kỳ nghỉ đã được kéo dài từ tháng 1 cho đến giữa tháng 5. Một hoạt động theo dõi tiếp xúc quy mô lớn và tốn nhiều công sức cũng đã được tiến hành.
GS. Thwaites tin việc kiểm dịch trên quy mô rộng như vậy là chìa khóa thành công của Việt Nam, vì có đến một nửa số ca nhiễm Covid-19 không xuất hiện các triệu chứng. Tất cả mọi người trong khu vực cách ly đều đã được xét nghiệm, dù có nhiễm bệnh hay không. Ông nói: “Nếu bạn có nhiều người mang mầm bệnh không có triệu chứng như vậy, điều duy nhất có thể làm để kiểm soát nó là những gì Việt Nam đã làm. Trừ khi bạn nhốt những người đó lại, họ sẽ chỉ loanh quanh để lây bệnh".
Vì hầu hết người Việt Nam từ nước ngoài trở về là sinh viên, khách du lịch hoặc đi công tác, những người có xu hướng trẻ và khỏe mạnh hơn. Họ có cơ hội tốt hơn về khả năng chống lại virus. Việc cách ly sớm giúp họ không khiến người thân cao tuổi gặp rủi ro, điều đó có nghĩa hệ thống y tế có thể tập trung nguồn lực vào một số trường hợp nguy kịch. Mặc dù Việt Nam chưa bao giờ đóng cửa toàn quốc, nhưng việc phong tỏa những ổ dịch mới nhen nhóm đã được thực hiện nhanh chóng và quyết liệt.
Chống dịch cho kinh tế
Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận thành công của Việt Nam không chỉ trong việc chống dịch trong y tế, mà cả kinh tế. Phản ứng quyết liệt với đại dịch Covid-19, xuất khẩu tăng vọt và chi tiêu công lành mạnh đã giúp Việt Nam vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2020 và nhanh chóng phục hồi.
Tờ báo cho biết đã có những lo ngại nghiêm trọng đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu về quần áo, giày dép và điện thoại thông minh sụt giảm tại một số thị trường lớn nhất của đất nước, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng xuất khẩu vẫn giúp thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay, bởi Việt Nam có thị trường xuất khẩu rất đa dạng. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, các lô hàng đến Trung Quốc đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng năm 2020.
Theo IMF, nhu cầu đối với nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam như đồ điện tử gia dụng, đồ nội thất văn phòng, máy tính và tivi - đã tăng vọt trong thời gian đại dịch do mọi người buộc phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Điều đó có nghĩa trong khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% đề ra trước đại dịch, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm nay, là một trong những nền kinh tế tốt nhất trên thế giới trong đại dịch.
Tuy nhiên, việc vắng bóng du khách nước ngoài đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch của Việt Nam. Cố đô Huế được UNESCO công nhận - vốn nổi tiếng với du khách nước ngoài - giờ giống như một thị trấn ma, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết 80% khách sạn đã đóng cửa trong khi 8.000 người mất việc làm. Câu chuyện nghiệt ngã cũng diễn ra tương tự ở Hà Nội, nơi ông chủ khách sạn Nguyễn Đình Tới nói đơn giản rằng "du lịch đã chết".
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước phụ thuộc vào du lịch khác trong khu vực như Thái Lan, nơi IMF dự đoán nền kinh tế sẽ sụt giảm 7,1% trong năm nay. Theo giới chuyên gia, điều này nhờ Chính phủ đã giúp “đỡ đòn” kinh tế bằng cách đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường. Điều này tạo ra nhu cầu bổ sung, bù đắp cho Covid và sự sụt giảm trong tiêu dùng hộ gia đình và đồng thời tạo ra việc làm. Theo số liệu của Chính phủ, đầu tư công trong 11 tháng năm 2020 tăng 34%, cao nhất trong 9 năm.
Adam McCarty, chuyên gia Kinh tế trưởng của Mekong Economics, cho biết chiến thắng tương đối của Việt Nam trong năm nay có thể dẫn đến những lợi ích trong những năm tới. Ông nói, cách xử lý coronavirus "gần như khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới", đồng thời nói thêm rằng nó đang báo hiệu cho các công ty lớn ở nước ngoài rằng họ nên có cái nhìn khác về Việt Nam.