Với tổng số 469 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 100% tổng số ĐBQH có mặt, chiều nay 12-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị định phê chuẩn CPTPP.
Như vậy kể từ hôm nay 12-11, Việt Nam đã chính thức gia nhập CPTPP cùng với 10 nước khác, trong đó tính đến thời điểm này, có 7 nước đã có phê chuẩn thông qua CPTPP (nước thứ 6 vừa phê chuẩn là Australia).
Trước đó, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8-3-2018 tại Santiago - Chile, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 10 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore.
Trong Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trước Quốc hội trước khi Hiệp định được Việt Nam thông qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ KH-ĐT thực hiện vào tháng 9-2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000.
Tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều mặt trái khi CPTPP có hiệu lực như sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường. Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô.
Tại Tờ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 2-11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Thỏa thuận TPP ban đầu có 12 thành viên. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào đầu năm ngoái. Sau khi Mỹ rút lui, 11 quốc gia còn lại trong thỏa thuận, với sự đi đầu của Nhật Bản, đã hoàn tất một thỏa thuận điều chỉnh vào tháng 1 năm nay, với tên gọi mới là CPTPP. Đến thời điểm này, 4 quốc gia còn lại chưa phê chuẩn CPTPP là Brunei, Chile, Malaysia và Peru. |