Hãng tin Reuters vừa thông tin, các quan chức ngành lương thực của Ấn Độ xác nhận, hiện các doanh nghiệp ngành lương thực Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu được 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng giao tháng 1 và tháng 2-2021, với giá khoảng 310 USD/tấn, theo phương thức giao hàng tự do (FOB).
Theo hãng tin này, đây là lần đầu tiên gạo Ấn Độ xuất sang Việt Nam do giá gạo tấm ở Ấn Độ thấp hơn Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 5-1, đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xác nhận, một số doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu gạo tấm từ các nước, số liệu cụ thể sẽ được nêu ra trong vài ngày tới. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương thông tin rằng, loại gạo tấm mà doanh nghiệp nhập về với mục đích làm thức ăn chăn nuôi, làm bột chứ không phải là gạo ăn.
Song, trao đổi thêm với PV Báo SGGP, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam khẳng định, công ty của ông chưa bao giờ nhập tấm về làm thức ăn chăn nuôi và cũng rất hiếm doanh nghiệp nhập tấm về làm thức ăn chăn nuôi do không hiệu quả bằng các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác như ngô (bắp), khô dầu, đỗ tương...
Theo ông Phạm Đức Bình, so với bắp và đỗ tương thì tỷ lệ năng lượng trong gạo tấm không cao, giá thành đắt hơn nên không hiệu quả.
“Ở Việt Nam, nếu có sử dụng tấm để chăn nuôi thì cũng chỉ sử dụng loại tấm siêu nhỏ, còn loại tấm 1, 2, 3, 4 (hạt to hơn) thì không dùng được cho chăn nuôi mà chỉ để ủ bia, nấu rượu”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam chia sẻ.