Phát biểu tại đây, Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio cho rằng, trong 20 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vô cùng nhanh chóng và cũng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Đây chính là tài sản vô cùng quý báu trong quan hệ giữa hai nước.
“Có thể nói, các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các DN Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến Việt Nam, một nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19”, đại sứ cho biết.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), vừa qua, nhiều DN Nhật Bản cho biết họ đang xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Đại sứ kỳ vọng Việt Nam sẽ nắm được cơ hội này, sẽ trở thành một nước cường thịnh hơn trong thời gian tới, đồng thời đề xuất mở lại việc đi lại giữa hai nước, cải thiện việc giải ngân cho các dự án đầu tư công hiện nay, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nâng cao xếp hạng tín dụng của Việt Nam.
Về việc Nhật Bản đưa ra gói ngân sách khoảng 2,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các DN Nhật Bản, đại sứ cho biết đã tiến hành lựa chọn lần thứ nhất, với 30 DN và trong đó có 15 DN tham gia tọa đàm đều là những DN có liên quan đến Việt Nam. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các DN đầu tư vào Việt Nam.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng DN Nhật Bản là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, làm ăn kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động. DN Nhật Bản giữ chữ tín, điều rất quan trọng trong làm ăn kinh doanh.
Với 100 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng, nằm trong khối ASEAN năng động với gần 650 triệu dân, Thủ tướng cho rằng, thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển, vì vậy rất chào đón các DN Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa DN nhà nước tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng DN, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới.
Thủ tướng khẳng định tạo mọi điều kiện để việc mở rộng đầu tư của 15 DN Nhật Bản trong đợt đầu tiên được triển khai thuận lợi nhất cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa cho các đợt đầu tư tiếp theo. Nhấn mạnh Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện mục tiêu kép, duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn như sân bay, bến cảng, dịch vụ logistics, đường bộ cao tốc… cũng như không để mất điện, mất nước ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, các khu công nghiệp để các DN có vị trí đặt nhà máy ngay.
“Chúng tôi coi thành công của các nhà đầu tư Nhật Bản là thành công của Chính phủ Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.