Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn, đánh giá ở góc nhìn đa diện, đa chiều về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật, những kỳ vọng và các vấn đề cuộc sống đặt ra.
Thông tin tại tọa đàm cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược", song nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 đã theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%, quý 3 tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%). Nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định "kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới".
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nêu ra 4 điểm sáng của nền kinh tế gồm: thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải ngân đầu tư công vượt mức và thành tựu về đối ngoại. Đây là những nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
Còn đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đánh giá, Chính phủ đã có chỉ đạo chuyển hướng về chính sách tiền tệ là một hành động rất quyết đoán. Trong lúc cả thế giới đang chống lạm phát, Chính phủ đã điều chỉnh, linh hoạt, phù hợp.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam |
Có ý kiến tại tọa đàm, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng nhận định, điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Trong bối cảnh ấy, dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9-2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Ông cho rằng, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là tăng trưởng đạt 6% hoàn toàn có thể đạt được.
“Đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ”, ông Shantanu Chakrabort nêu.
ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ, cho đến nay đã đi đúng hướng và kịp thời.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng khuyến nghị, Việt Nam có nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
Ông cho rằng, những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế… Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Ông đề nghị Việt Nam cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân.