Nhấn mạnh chuyến thăm rất có ý nghĩa, diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng chuyến thăm sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam - Bỉ; đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tích cực trong thời gian tiếp theo. Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Bỉ, mong muốn đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam cảm ơn Bỉ đã hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong thời gian đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Thượng viện Stéphanie D’Hose cho biết, sau chuyến thăm này sẽ có nhiều phái đoàn từ Bỉ tới thăm Việt Nam với mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Bà Stéphanie D’Hose vui mừng thông báo, dự kiến có một nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được Hạ viện Bỉ phê chuẩn. Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Bỉ thúc đẩy các nỗ lực cung cấp thêm các khoản viện trợ cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc sẽ có một nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được Hạ viện Bỉ phê chuẩn là thông tin mang ý nghĩa nhân đạo; đề nghị các bên liên quan có trách nhiệm cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai nước thúc đẩy hơn nữa các chương trình, dự án hợp tác trong các lĩnh vực: giáo dục, đầu tư, thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế xanh…
Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để công dân hai nước đi lại, giao lưu và hợp tác thuận lợi hơn trong thời gian tới. Với truyền thống ủng hộ và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch nước mong muốn hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề quốc tế; đề nghị Bỉ ủng hộ lập trường, quan điểm của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm an toàn, tự do hàng hải, hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.