Covid-19 xuất hiện bất ngờ như một định mệnh trớ trêu. Nhà thơ Xuân Trường tự nhủ: “Tôi là con chim già hót khúc hoàng hôn trong bụi gai Covid-19”, và quyết định thực hiện một công việc nhọc nhằn và lặng lẽ: Chăm chú làm thơ viết đau thương lên ký ức/ Để mai này cho con cháu chúng ta.
Xác định mục đích rõ ràng, nên trường ca Corona gói ghém những thông tin nghẹn ngào về Covid-19. Thông tin từ Vũ Hán, thông tin từ phương Tây, thông tin từ xóm làng xung quanh nỗi lo, nỗi sợ đại dịch toàn cầu. Thế nhưng, nếu cứ chạy đua với số liệu và chi tiết thì thi ca rất dễ biến thành một thứ “báo chí tái chế”.
Viết về Covid-19 để thể hiện trách nhiệm một người cầm bút là điều không cần hoài nghi nữa. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hơn thế. Thái độ của người viết? Tinh thần của người viết? Bản lĩnh của người viết? Trường ca Corona trả lời những câu hỏi ngỡ chừng giản đơn ấy theo những màu sắc riêng và biên độ riêng. Nhà thơ Xuân Trường ở tuổi 77 “đang tạm lánh hồn mình dưới câu kinh nhân ái mỗi ngày tụng niệm”.
Trường ca Corona tung tẩy qua 9 chương, vừa giãi bày vừa chia sẻ. Đôi khi nhà thơ Xuân Trường cảm thấy bất lực trước thảm họa từ đại dịch, nhưng ông tự xoa dịu mình, tự động viên mình để những vần điệu không quay lưng với mất mát u uất, với nghĩa tình cao đẹp: “Câu thơ chênh chao theo dịch lên những ngày đỉnh điểm/ Viết bao giờ cho hết sự hy sinh cho nhau tảo tần/ Viết thế nào cho hết những thương đau một thời mắc dịch/ Viết lên trời, xuống đất, những thét gào của nhân gian”.
Khép lại trường ca Corona, độc giả hiểu hơn về một khoảng thời gian đáng sợ mà người Việt Nam và thế giới vừa nếm trải. Và quan trọng hơn, ai cũng có thể lắng lại chút dằn vặt lương thiện, như nhà thơ Xuân Trường thao thiết: “Xin hãy hủy diệt lòng tham, hủy diệt chiến tranh như hủy diệt Corona vậy”.