Cần một giải thưởng riêng
Giữ một vai trò không nhỏ trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ; tuy nhiên, văn học dành cho thiếu niên (9-15 tuổi) thời gian qua chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, văn học cho thiếu nhi và thiếu niên là vấn đề nóng từ nhiều năm nay, bởi tác phẩm dành cho lứa tuổi này đang thiếu.
“Đã nhiều năm nay, trong mảng sáng tác này, chúng ta vẫn chỉ thấy nổi lên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước Nguyễn Nhật Ánh, có rất nhiều tên tuổi khác như Trần Hoài Dương, Phạm Hổ… nhưng sau này, đặc biệt sau năm 1986, số lượng tác giả tham gia viết cho thiếu niên càng ngày càng ít. Cho dù Nguyễn Nhật Ánh giữ kỷ lục về số lượng phát hành, song vẫn có điều gì đó chưa ổn trong đời sống xã hội”, nhà văn Trần Văn Tuấn cho biết.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng thừa nhận điều này. Tuy nhiên theo anh, người bền bỉ nhất với văn học thiếu niên nhất là nhà văn Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai. Ông viết từ trước năm 1975, đã có hơn 50 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm đã được khẳng định như: Chiếc lá thuộc bài, Cha con ông mắt mèo, Bên bóng Thái Sơn.
Chỉ có điều, khi nhắc đến cái tên Nguyễn Thái Hải, người ta chỉ nhớ đến những tác phẩm viết cho người lớn như Lời nguyền hai trăm năm, Chuyện ở dãy phố Năm Căn mà bỏ qua những tác phẩm thành công ở mảng văn học thiếu niên của ông.
“Bởi vì tâm lý của chúng ta là tác phẩm cho người lớn mới là văn học, còn tác phẩm cho thiếu niên chỉ là loại hai”, nhà văn Lê Thiếu Nhơn nhận định.
Chính vì tâm lý xem văn học thiếu niên là “chiếu dưới” nên rất nhiều người không còn tha thiết với mảng sáng tác này.
Một nguyên nhân nữa khiến các tác giả tham gia sáng tác cho thiếu niên ngày càng ít, đó chính là sự thiếu quan tâm của xã hội. Dễ thấy nhất là hiện nay vẫn chưa có một giải thưởng riêng dành cho văn học thiếu nhi và văn học thiếu niên.
Theo nhà văn Đoàn Thạch Biền, cần phải có giải thưởng riêng cho văn học thiếu nhi và thiếu niên, không thể chấm chung với người lớn như từ trước tới nay.
Tác giả của Những ngày tươi đẹp, đề xuất: “Không thể lấy lý do không có tiền để không xét giải cho văn học thiếu nhi và thiếu niên. Chúng ta có thể cân đối một chút từ giải thưởng dành cho những tác phẩm người lớn, thay vì 10 triệu đồng, giờ chúng ta chỉ trao 8 triệu đồng; lúc đó sẽ giải quyết được bài toán kinh phí giải thưởng cho văn học thiếu nhi và thiếu niên. Vấn đề quan trọng ở đây là được công nhận thì người ta mới viết”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đồng tình: “Sau giai đoạn của những nhà văn Phạm Hổ, Định Hải, bây giờ Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã không còn nữa. Nhiều năm qua, có nhiều tác phẩm văn học thiếu niên giá trị như Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa hoàn toàn xứng đáng để trao giải, nhưng Hội Nhà văn TPHCM không có giải thưởng để vinh danh”.
Đặt tâm lý, tình cảm của các em vào tác phẩm
Ngoài việc chỉ ra những hạn chế hiện nay của văn học thiếu niên, buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác dành cho thiếu niên” còn tập trung vào câu hỏi: Viết gì cho lứa tuổi thiếu niên hiện nay?
Theo nhà văn Đoàn Thạch Biền, các vấn đề yêu thương thầy cô, yêu thương cha mẹ đã có rất nhiều nhà văn viết và viết rất hay. Vậy nên, các tác giả cần phải viết thẳng vào các vấn đề xã hội hiện nay.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiên cho rằng, ở lứa tuổi này, các nhà văn nên viết nhiều về mối quan hệ tình bạn. Thông qua quan hệ tình bạn giúp các em tìm hiểu cuộc sống xung quanh hay những điều mà các em muốn biết. Bà Thu Hiên cũng lưu ý các nhà văn phải đặt tâm lý, tình cảm của các em vào tác phẩm; sử dụng cách ứng xử và ngôn ngữ của các em, không phải ngôn ngữ của người viết. Trẻ con không có nghĩa là không biết gì.
“Tại sao phải đợi các em đến cấp 3 mới hướng nghiệp mà không phải hướng nghiệp từ lúc các em còn nhỏ, thông qua những câu chuyện, tác phẩm dành cho các em. Bởi thực tế cho thấy, nếu điều gì đó mà các em thực sự đam mê ngay từ nhỏ, thì khi lớn lên các em sẽ dễ dàng lựa chọn và thành công”, chuyên gia Nguyễn Thu Hiên nói thêm.
Từ trường hợp các tác phẩm đã ghi dấu trong lòng độc giả qua nhiều thế hệ như: Đất rừng Phương Nam, Tuổi thơ im lặng, Miền xanh thẳm…, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đúc kết: “Hình như văn học thiếu niên chỉ tồn tại được và thành tác phẩm xuất sắc khi nhà văn viết về chính cuộc đời của mình. Lấy hiện thực hôm nay áp vào văn học thiếu niên thì vô nghĩa, vì độ tuổi này thay đổi rất nhanh".