Ngày 4-6, tại Đường sách TPHCM, trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần 5 năm 2024, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức giới thiệu tuyển tập thơ Sài Gòn của em. Đây là tuyển tập quy tụ nhiều thế hệ làm thơ thiếu nhi của thành phố. Đông đảo các tác giả viết cho thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ của TPHCM cùng tham gia như: Trần Quốc Toàn, Kim Hài, Ngọc Khương, Lê Luynh, Lê Minh Quốc, Nguyệt Thu, Trần Gia Bảo, Thục Linh, Võ Mạnh Hảo, Võ Thu Hương…
Tuyển tập thơ Sài Gòn của em quy tụ 50 tác giả qua nhiều thế hệ sống và làm việc tại TPHCM, mang đến 105 bài thơ. Với tập thơ này, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thấy Sài Gòn - TPHCM hiện lên thân thuộc mà lạ lẫm, truyền thống mà hiện đại. Vẫn là những nơi, những cảnh hằng ngày các em qua, thấy nhưng rồi bất chợt một ngày không khỏi ngạc nhiên: Thành phố của em sao mà yêu đến thế! Miệt vườn cây trái, sông nước ngọt lành, những cánh đồng rập rờn sóng lúa; rồi những trò chơi tuổi nhỏ, chuyện học hành, sinh hoạt, những rung động tinh khôi… đều được người viết thể hiện bằng tấm lòng nâng niu, thương quý.
Cũng tại chương trình giao lưu, các tác giả đã cùng nhau trao đổi về văn học thiếu nhi của thành phố cũng như tình hình sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay. Nhà thơ Lê Luynh bày tỏ sự vui mừng khi những năm gần đây, có nhiều sân chơi, nhiều giải thưởng hướng đến văn học thiếu nhi. Nhờ đó, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi cũng đông đảo, hùng hậu hơn.
Ông cho biết: “Tôi đã nhìn thấy rất nhiều tác giả tiếp nối mạch nguồn văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, đòi hỏi có những tác phẩm lớn, tầm cỡ quốc gia hay thế giới thì hiện nay chúng ta còn đang nợ. Theo tôi thì bao giờ chúng ta cũng nên đợi, bởi vì những tác phẩm sau bao giờ cũng phải hơn tác phẩm trước”.
Nhà thơ Thục Linh là một trong những tác giả thuộc thế hệ 8X góp mặt trong tuyển tập thơ Sài Gòn của em. Anh là tác giả của tập thơ thiếu nhi Nếu không có trẻ con do NXB Trẻ ấn hành vào năm 2022 và được tái bản sau đó không lâu. Nhà thơ Thục Linh cho rằng, khi viết cho thiếu nhi, bộ lọc cảm xúc trong mỗi tác giả cần phải phải tăng gấp nhiều lần để có thể tạo ra được những cảm xúc trong trẻo nhất. Theo anh, thơ thiếu nhi cũng có nỗi buồn nhưng đó phải là nỗi buồn trong trẻo, không phải là sự giận dữ, phẫn nộ với cuộc đời này. Bởi nếu chúng ta truyền cho các em điều đó thì thế giới, tương lai sẽ khủng khiếp đến thế nào.
“Bởi cách tinh lọc như vậy nên viết cho thiếu nhi cũng là phương pháp thiền rất tốt. Nó khiến chúng ta đặt mình trong trạng thái luôn phải tự kiểm soát, luôn phải bắt buộc mình nhìn thấy cuộc đời đẹp hơn, tốt hơn. Khi viết cho thiếu nhi, đồng nghĩa với việc chúng ta lắp cặp mắt trẻ con cho chính mình. Một người lớn viết cho trẻ con thì phải đồng hóa mình với cách suy nghĩ của trẻ con, nó khác biệt với việc một người lớn cố gắng dạy dỗ cho trẻ con biết rằng thế giới này như thế nào”, nhà thơ Thục Linh bày tỏ.