Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3 TPHCM), vẫn tồn tại cảnh mua bán sách coi tướng, xem tử vi, nhang đèn, hoa, vé số và ăn xin trước cổng chùa và dọc theo mặt tiền chùa, lấn chiếm cả lề đường, lòng đường. Cảnh mua bán bát nháo lấn chiếm lòng lề đường này khiến giao thông trước cổng chùa thường xuyên bị ùn tắc, nhất là vào đêm giao thừa và đầu giờ sáng - cuối giờ chiều mùng 1 tết, khi lượng khách đến viếng chùa rất đông.
Ở chùa Xá Lợi, đội ngũ ăn xin, bán vé số dạo, dù vẫn còn nhưng số lượng có giảm hơn so với năm trước. Con đường dẫn vào miếu Ngũ Hành - chùa Bà Châu Đốc 2 năm nay sạch sẽ, trật tự, lực lượng ăn xin, vé số dạo giảm hẳn so với năm ngoái, bớt đi cảnh nằm ngồi la liệt, nhếch nhác dọc đường vào chùa.
Như mọi năm, chùa Bà Châu Đốc 2 luôn thu hút đông đảo du khách đến viếng trong ngày đầu năm mới và kéo dài đến rằm tháng Giêng, thế nên ngày nào người đi lễ cũng đông đúc, nhiều người cố chen chân nhau để thắp hương, bái lạy. Rất nhiều người đi lễ kém ý thức, đốt rất nhiều nhang, khiến không gian nhỏ hẹp của chùa Bà ngợp nhang khói và hơi người…
Ở khu vực quận 5, TPHCM, trấn giữa ngay trước cổng chùa Minh Hương là một bãi rác và nhóm người ăn xin già trẻ, bé lớn, ngồi bệt dưới đất, hễ có khách mới đến viếng chùa là các bé nhỏ nhào tới xin tiền. Xung quanh chùa, người bán nhang, giữ xe chiếm hết lề đường, lấn xuống cả lòng đường, bên trong chùa ngợp khói nhang.
Cảnh nhếch nhác trước cổng chùa Minh Hương (quận 5, TPHCM)
Mặt tiền miếu Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi thì nhếch nhác với đầy rác, người bán vé số, ăn xin, nhang đèn tự chia “lãnh thổ” để làm ăn. Đội quân bán vé số chiếm chỗ ngồi đến tận cổng miếu. Tuy nhiên, khác với vẻ bên ngoài bát nháo, kém văn minh, bên trong miếu lại rất trật tự, dù khách thập phương đến viếng rất đông nhưng mỗi người đều tự giác xếp hàng chờ đến lượt được thắp nhang vào các lư hương…
Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, quận 1) cũng là ngôi chùa có lượng khách viếng rất đông vào những ngày đầu năm mới 2018. Nguyên con đường Mai Thị Lựu, hầu như lúc nào cũng kẹt xe. Còn ở khu vực cổng chùa, vào giờ cao điểm kẹt cứng xe máy.
Hầu hết vỉa hè trên đoạn đường này đều được trưng dụng làm điểm giữ xe tự phát với mức giá trung bình là 10.000 đồng/xe máy. Kể cả những con hẻm và một số trụ sở cơ quan trên con đường này, cũng kiếm thêm nhờ giữ xe trong mấy ngày tết.
Còn ô tô, chủ yếu dừng trên đoạn ngã ba Mai Thị Lựu - Điện Biên Phủ, với mức giá giữ xe trồi sụt theo thời điểm, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/xe. Bên trong chùa, cảnh dòng người chen chúc ở khu vực sân thường xuyên diễn ra.
Hầu như không có một chỗ trống trong giờ cao điểm. Ở bên trong điện, do được ban quản lý chùa lưu ý chỉ được đem một cây nhang nên không khí đặc quánh bởi khói nhang giảm hẳn. Tuy nhiên, vào đêm giao thừa và đầu giờ sáng - cuối giờ chiều mùng 1 tết, hầu như người cầm nhang vào điện chính cúng bái chấp nhận bị kẹt cứng.
Những người sức khỏe yếu được khuyến cáo không vào trong bởi quá chật chội và bức bí. Cũng tại quận 1, đền Đức Thánh Trần (đường Võ Thị Sáu), cũng đón lượng khách đông đảo viếng đền. Ngay khu vực vỉa hè trước đền, được tận dụng làm bãi giữ xe hai bánh, đồng giá 10.000 đồng/ xe.
Trái ngược với những hình ảnh không đẹp trên, không gian chùa Ông trên đường Nguyễn Trãi, lại tạo được cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, cho người đi lễ, vì ban quản lý không cho đem nhang vào sâu trong điện, đội ngũ làm việc tại chùa liên tục xử lý không để quá nhiều nhang trong lư hương.
Cùng một quan điểm lễ chùa văn hóa văn minh, tránh tình trạng không gian chùa ngợp nhang khói, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đi lễ và an toàn về cháy nổ, Việt Nam Quốc Tự (đường Lê Hồng Phong) liên tục phát nhang cúng Phật miễn phí với khuyến cáo chỉ “đốt 6 cây là đủ”.
Năm nay, tình trạng đốt giấy tiền vàng mã tại các nơi thờ cúng ít hơn năm trước, thể hiện tinh thần tiết kiệm, ý thức thờ cúng, lễ bái văn minh
Cũng giống như nhiều điểm đến khác của Hà Nội, có những thời điểm, con đường dẫn vào chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Hà... quá tải. Các điểm giữ xe tự phát cũng theo đó xuất hiện, với giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ xe.
Kể từ mùng 5 tết, miền Bắc bắt đầu bước vào mùa lễ hội xuân Mậu Tuất 2018. Mở đầu là lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), lễ hội chùa Hương (Hà Nội, từ mùng 6 tết), hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội, từ mùng 6 đến mùng 8), lễ hội Cổ Loa (Hà Nội, từ mùng 6 tết), hội chợ Viềng (Nam Định, mùng 7 và 8), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh, từ mùng 10 tháng Giêng)…
MAI AN