Sáng 15-10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, tiếp xúc cử quận 5.
Trước các bức xúc của cử tri về vụ án Công ty Cổ phần VN Pharma nhập thuốc ung thư giả, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Minh Trí cho biết vụ án Công ty VN Pharma kéo dài mà nếu ngành kiểm sát không quyết liệt thì không thể truy tố, xét xử về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Đây là một cuộc đấu tranh, ban đầu vụ án này bị khởi tố, cho ra kết quả truy tố, xét xử đúng tội danh. “Nếu xử theo tội buôn lậu như trước thì hình phạt nhẹ hơn rất nhiều và không đúng bản chất tội phạm”, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Do đó, VKS yêu cầu trả hồ sơ bổ sung và điều tra lại. Từ đó, tòa đã tuyên xử về tội kinh doanh hàng giả là thuốc chữa bệnh. Đây là một bước thành công.
Tuy nhiên, vụ án này còn chưa dừng lại, vì còn liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc giả. Vừa rồi, cán bộ Cục Quản lý Dược đi tìm hồ sơ để xác nhận đây không phải là thuốc giả. “Đó là chuyện của đương sự. Chúng tôi phải làm theo đúng quy định của pháp luật”, người đứng đầu ngành kiểm sát của cả nước nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, vụ việc còn đang được làm rõ, nhiều nội dung chưa thể thông tin cụ thể hơn. Tuy nhiên, vụ án này sẽ còn tiếp tục được điều tra, làm rõ, đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước. Trường hợp quản lý Nhà nước tốt, trách nhiệm và hiệu lực tốt sẽ giảm thiểu và hạn chế được rất nhiều những sai sót cũng như lợi dụng trục lợi, gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân, của xã hội. Tuy nhiên (trong vụ việc này - PV) có dấu hiệu lực, trách nhiệm quản lý kém và cũng không loại trừ có những vấn đề liên quan đến con người.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng chia sẻ với cử tri về việc xử lý các vụ án đưa nhận hối lộ. Theo đó, trong các vụ án đưa nhận hối lộ, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong xử lý, dù xác định được người đưa hối lộ, người môi giới giới hối lộ. Khó khăn vì chỉ có “tay đôi giữa người đưa với người nhận”, người đưa khai có đưa nhưng người nhận phủ nhận.
Tuy vậy, kết quả xử lý hạn chế cũng có phần do năng lực của cán bộ, từ điều tra viên, kiểm sát viên cho đến cơ quan tòa án. Thứ nữa là khả năng đối phó của của đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cũng như trách nhiệm và phẩm chất, đạo đức của cán bộ thực thi công vụ.
Trong từng vụ án phải đảm bảo quy định, phải trọng chứng hơn trọng cung. Vì thế, trong một số vụ án, dù có nghi ngờ, cảm nhận có nhận hối lộ nhưng không có trực tiếp thì phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này có nghĩa là không truy tố “người nhận hối lộ được”. Vì vậy, dù cơ quan chức năng cố gắng xử lý, đưa ra truy tố, xét xử loại tội phạm này nhiều nhưng cũng khó đảm bảo xử lý được 100%.