Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí thông tin nhiều chính sách quan trọng mới có hiệu lực từ ngày 1-7

Sáng 1-7,  Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 3 gồm các ĐB: Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế; Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM, tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11.

Hội nghị tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Hội nghị tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh về các vấn đề dân sinh như tình trạng nhiều người dân mua chung cư đã lâu nhưng được cấp sổ, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, tiến độ dự án cống ngăn triều, công tác phòng cháy chữa cháy, vấn đề giá vàng. Cử tri cũng bày tỏ quan tâm về công tác phòng chống tham nhũng, về tội phạm lừa đảo trên mạng...

1000030351.jpg
ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế thông báo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
1000030348.jpg
Tổ ĐBQH số 3 tiếp xúc cử tri trực tiếp tại quận 8
1000030349.jpg
ĐBQH Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao trao đổi với cử tri

Trao đổi với cử tri, ĐB Lê Minh Trí chia sẻ, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, chưa giai đoạn nào mạnh mẽ như gần đây. Công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước "vừa nghiêm khắc với tội phạm và nhân văn với người hợp tác, khắc phục", tạo chuyển biến rõ rệt.

Về tội phạm trên không gian mạng, theo ĐB Lê Minh Trí, cách mạng 4.0 tạo ra giá trị lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tạo ra thách thức lớn cho an ninh mạng và lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao. Xu thế này không đảo ngược và cần thích ứng khai thác mặt hiệu quả tốt nhất, đồng thời kiểm soát tốt nhất có thể.

Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh công tác kiểm soát, phát hiện kịp thời để xử lý răn đe nhưng "răn đe bao nhiêu cũng không bằng phòng ngừa rủi ro từ chính người dân", ĐB Lê Minh Trí nhấn mạnh.

1000030350.jpg
Các đại biểu, cử tri tham dự hội nghị

Trước quan tâm của cử tri về vấn đề tăng lương, ĐB Lê Minh Trí cho biết, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Bộ luật Lao động với mức tăng bình quân 6%. Cùng với đó là quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, áp dụng từ ngày 1-1-2025.

Ngoài ra, từ ngày 1-7, mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng được điều chỉnh tăng 15%. Mức trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội cũng tăng so với trước, trên 35%. Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành với một số nhóm hàng hóa tới hết năm 2024.

Tin cùng chuyên mục