Để chuẩn bị trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào ngày 20-3, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo gửi tới UBTVQH.
Án hình sự, dân sự đều tăng, biên chế thì không
Người đứng đầu ngành Kiểm sát Nhân dân cho biết, những năm qua, bên cạnh việc kinh tế - xã hội phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng thì tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phi truyền thống với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn, nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát rất lớn; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng… Trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/ năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10 - 12%/ năm, có năm tăng 15%/ năm.
“Hơn 10 năm qua khối lượng công việc của ngành phải thực hiện tăng lên gấp đôi với yêu cầu pháp luật ngày càng cao, nhưng biên chế không tăng, số lượng kiểm sát viên trong toàn ngành (là chức danh tư pháp bắt buộc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ) không thay đổi; biên chế kiểm sát viên của viện kiểm sát các cấp có sự chênh lệch rất lớn so với số lượng điều tra viên của ngành công an nhân dân hiện nay”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trần tình.
Tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ năng động, sáng tạo
Để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội một số nội dung. Trong đó, bên cạnh việc xem xét tăng số lượng kiểm sát viên trong biên chế được giao; xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước… VKSND tối cao còn đề xuất Quốc hội chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý an toàn, tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi.
Viện trưởng Lê Minh Trí thẳng thắn: “Hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục”.