Chiều 17-6, hội thảo “Phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái – Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0” do tạp chí Mekong - Asean tổ chức, diễn ra tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).
Thông tin từ hội thảo cho thấy vai trò hết sức quan trọng của các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng trong nền kinh tế. Việt Nam hiện có gần 400 KCN và khu kinh tế (KKT), thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80%-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường: có 13% số KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Hơn 10% trong số các KCN đang hoạt động thậm chí không có hệ thống xử lý rác thải riêng biệt. Nhu cầu chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái là rất bức thiết.
Theo hướng này, như đại diện KCN Nam Cầu Kiền cho biết, nhà đầu tư đã đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp, liên kết với nhau, làm tăng thêm giá trị gia tăng cho từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp dự kiến phát triển hệ thống năng lượng tái tạo - phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tự sử dụng và không đưa lên lưới điện quốc gia.
Hoan nghênh hướng đi này, song GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lưu ý, việc phát triển các KCN sinh thái chỉ thuận lợi đối với các khu công nghiệp mới theo hướng xây dựng tập trung. Mặt khác, cần có cái nhìn xa hơn về phát triển của năng lượng mặt trời. Sau 30 năm (tuổi thọ của tấm pin mặt trời) thì việc xử lý chất thải sinh ra từ tấm pin mặt trời hỏng được tiến hành thế nào? Thực tế có trường hợp công ty bán pin mặt trời cam đoan thu mua hết toàn bộ số pin hỏng, nhưng chưa đến 3 năm thì công ty đó đã giải thể.
Cũng phải thấy rằng “cuộc chơi sinh thái” luôn là rất tốn kém và đòi hỏi tính trách nhiệm rất cao của nhà đầu tư. Với mô hình KCN sinh thái, mật độ xây dựng công nghiệp không được quá 75%, vì phải dành tối thiểu 25% diện tích đất cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.
Đặc biệt, hàng năm, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương và đăng trên website của doanh nghiệp.
Chính vì thế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển KCN sinh thái - các ý kiến tại hội thảo nhìn nhận. Chẳng hạn, nếu nhận được ưu đãi miễn tiền thuê đất (như đối với KKT) thì nhiều doanh nghiệp sẽ có động lực tham gia hơn. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.
Gom lại các ý kiến tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nói: “Có một quan điểm cần phải nhìn nhận rõ là muốn chuyển hóa từ nâu sang xanh, tức là theo hướng phát triển bền vững hơn, thì cần phải đánh đổi và muốn xanh thì phải bớt lợi nhuận”.