Viện Thái y Huế chưa triển khai vì “vướng” mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng Viện Thái y Huế được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 28-8-2020, với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Sáng 11-12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại biểu Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh nêu vấn đề, hiện nay Bệnh viện Y học cổ truyền đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng tại sao nhiệm vụ xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền đến năm 2025 theo Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết Bệnh viện Y học cổ truyền có quy mô hoạt động là 100 giường bệnh nội trú, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo y, dược và các đơn vị có nhu cầu.

2019-10-08.jpg
Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế

Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 11-3-2014 về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025 và nhu cầu thực tế trên địa bàn, định hướng phát triển trong tương lai, xác định quy mô hoạt động đến giai đoạn 2025-2030 của Viện Thái y Huế là khám chữa bệnh ngoại trú 200-250 lượt/ngày, điều trị 250 giường nội trú.

Ngày 31-10-2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 2315/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 250 giường bệnh nội trú và tổng mức đầu tư 354,856 tỷ đồng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Trong khi Dự án đầu tư xây dựng Viện Thái y Huế được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 28-8-2020, với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất tại Công văn số 4162/SXD-QHKT ngày 21-12-2020, khu đất để xây dựng Viện Thái y Huế tại phường An Tây, TP Huế có diện tích giai đoạn 1 khoảng 2ha; giai đoạn 2 có thể mở rộng đến hơn 5ha. Ban Quản lý dự án đã phối hợp tổ chức lập quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ quy hoạch tổng mặt bằng dự án Viện Thái y Huế với tổng diện tích 4ha (trong đó diện tích giai đoạn 1 khoảng 2ha) phù hợp theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Tuy nhiên, ngày 2-6-2021 UBND TP Huế có Công văn số 3241/UBND-QH về việc tham gia ý kiến hồ sơ chủ trương đầu tư dự án Viện Thái y Huế, nêu rõ quy mô đất đai khoảng 4ha chưa phù hợp với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu phường An Tây đang nghiên cứu (khu đất chỉ có 1,8ha/4ha là đất y tế).

images494958_N5d.jpg.jpg
Khám chữa bệnh cho du khách bằng y học cổ truyền tại Festival Huế

Ngày 19-11-2021, Sở Xây dựng có Công văn về việc báo cáo rà soát đề xuất địa điểm xây dựng trụ sở dự án Viện Thái y Huế và thống nhất bố trí Viện Thái y Huế tại khu đất có chức năng đất y tế (Ký hiệu YT) thuộc đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu vực đàn Nam Giao và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định 23/QĐ-UBND ngày 5-1-2013, dự kiến quy mô khoảng 4,56ha.

Song, hiện trạng khu đất này có số lượng mồ mả rất lớn, chưa được giải phóng mặt bằng và các tuyến giao thông quy hoạch xung quanh khu đất hiện trạng chưa được đầu tư vì vậy cho đến nay khu đất để đầu tư xây dựng Viện Thái y Huế vẫn chưa có.

Cũng theo ông Hảo, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế hằng năm khám chữa bệnh ngoại trú cho khoảng 10.000-15.000 lượt người và chữa bệnh nội trú cho 2.200-3.000 lượt người. Qua hơn 40 năm, bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2023, bệnh viện đã được chủ trương đầu tư nâng cấp và sửa chữa với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3,5 tỷ đồng. Ngày 23-11-2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình sửa chữa Bệnh viện Y học cổ truyền. Năm 2024, bệnh viện đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 1 và đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Cơ sở vật chất của bệnh viện sau khi được đầu tư, sửa chữa đã khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, góp phần cùng ngành y tế hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Tin cùng chuyên mục