Bộ Y tế vừa phê duyệt giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở cho 5 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, 10 BV hạng I và yêu cầu từ nay đến 31-12, các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai phê duyệt giá khám chữa bệnh theo đúng thẩm quyền quy định. Mặc dù, việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ giúp các BV cân đối được nguồn thu - chi, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nhưng đối với người bệnh, nhất là người nghèo lại mang thêm nhiều nỗi lo.
Nặng gánh chi phí điều trị
Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BYT quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư 21) phù hợp với đặc thù cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời phù hợp với các quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên mức 2,34 triệu đồng. Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt giá viện phí của 15 BV, gồm 5 BV hạng đặc biệt và 10 BV hạng I. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở y tế trên địa bàn, nhưng không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của một số BV đã được công bố điều chỉnh tăng như: BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa Nông nghiệp, BV Da liễu trung ương điều chỉnh giá khám bệnh từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt. Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt tăng giá từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/giường/ ngày; giường loại 1 từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng/lượt/ngày. Giá giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc tại BV hạng đặc biệt trước đây là 867.500 đồng/ngày thì sau điều chỉnh sẽ là 1.017.300 đồng/ ngày.
Trước việc giá viện phí được điều chỉnh tăng theo giá lương cơ sở, không ít người dân bày tỏ sự lo lắng bởi gánh nặng chi phí khám chữa bệnh lúc đau ốm sẽ nặng thêm. Hơn nữa, không chỉ những người chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng nặng mà ngay cả người có BHYT khi phải đồng chi trả cũng chịu tác động không nhỏ.
Ông Lê Tuấn Xinh (67 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, lương cơ sở tăng kéo theo nhiều dịch vụ khác trong đời sống cũng tăng giá. Cùng với đó, mức đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo nên việc tăng viện phí theo lương cơ sở sẽ ảnh hưởng đời sống người dân, đòi hỏi cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, nhất là người không có BHYT.
Còn ông Nguyễn Văn Nam (ngụ phường Thới An, quận 12, TPHCM) cho rằng, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh. Có thể các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ít ảnh hưởng vì đa số bệnh nhân đều có BHYT. Nhưng phần lớn bệnh nhân đến khám ở tuyến trung ương chi phí rất cao, nếu dùng BHYT trái tuyến sẽ được giảm một phần, nhưng có khi khám 2 ngày mới xong lại càng tăng thêm chi phí ăn ở…
Không ảnh hưởng đến người nghèo
Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư 21 phù hợp với đặc thù cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Với việc điều chỉnh giá lần này, Quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. Điều này là do chênh lệch thu chi của Quỹ BHYT hàng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh. Về tác động với người dân, đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Các đối tượng phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng tăng theo mức lương cơ sở. Với đối tượng chưa có thẻ BHYT (khoảng 8% dân số ), việc điều chỉnh này chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hàng tháng được tính dựa trên mức lương cơ sở và các yếu tố kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh mức giá BHYT không phải là tăng chi phí riêng lẻ mà phụ thuộc vào sự điều chỉnh mức lương cơ sở, nhằm đảm bảo tương ứng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu cải thiện quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% nên dẫn đến mức đóng BHYT của hầu hết các nhóm đối tượng đều tăng theo. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí: giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định. Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.