Tăng giá hàng loạt dịch vụ y tế
Theo quy định tại Thông tư 39, chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.390.000 đồng. Sẽ có trên 1.900 dịch vụ được tính giá mới dịp này với mức tăng trung bình là 3,2%, trong đó có các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như: giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11%; giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%. Cụ thể, với BV hạng đặc biệt và hạng 1, giá khám chữa bệnh 33.100 đồng/lượt hiện nay sẽ điều chỉnh tăng lên 37.000 đồng/lượt; BV hạng 2 từ 29.600 đồng sẽ tăng lên 33.000 đồng; BV hạng 3 từ 26.600 đồng tăng lên 29.000 đồng; với BV hạng 4 và trạm y tế xã, giá khám chữa bệnh từ 23.300 đồng/lượt lên 26.000 đồng.
Đối với tiền giường điều trị, ở BV hạng đặc biệt thì giường điều trị hồi sức tích cực/ ghép tạng/ ghép tủy/ ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 678.100 đồng lên 753.000/ngày; giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 401.000 đồng lên 441.000 đồng/ngày; giường bệnh ở các khoa Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Nhi, Tiêu hóa, Thận học; Nội tiết; Dị ứng... tăng từ 208.000 lên 232.000 đồng/ngày. Trong khi đó, đối với BV hạng 1, dịch vụ giường hồi sức cũng sẽ được điều chỉnh từ 615.000 lên 678.000 đồng/ngày; với các dịch vụ khác, giá giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng thêm 20.000 - 40.000 đồng/ngày/giường.
Người bệnh không ảnh hưởng nhiều (!?)
Ngay sau khi Thông tư 39 được ban hành, Sở Y tế TPHCM có chỉ đạo các BV nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều BV cho rằng trong một năm mà ra 2 thông tư giá dịch vụ là khá bất cập đối với các cơ sở y tế. Còn đối với người dân, viện phí tăng thì lại thêm nỗi lo về gánh nặng kinh tế, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Trong khi hiện nay, cả nước có khoảng 85% dân số tham gia BHYT, với nhóm dân số chưa tham gia BHYT thì việc điều chỉnh viện phí sẽ khiến họ gặp khó khăn.
Cụ thể, đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nên không bị ảnh hưởng bởi việc tăng viện phí. Đối với người cận nghèo chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT, trong khi tỷ lệ điều chỉnh giá viện phí tăng bình quân khoảng 3,2% nên mức độ tác động không đáng kể”, ông Nguyễn Nam Liên phân tích.
Trước việc viện phí tăng, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải đẩy mạnh các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh. Trong đó yêu cầu đầu tiên là các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các BV tăng cường bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bác sĩ có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh của người dân.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính chi phí của các dịch vụ y tế tăng thêm vào thời điểm cuối năm 2018 vẫn đảm bảo việc cân đối Quỹ BHYT trong phạm vi cho phép. Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Cho nên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cao hơn khi thực hiện mức giá hiện hành. |