Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, chức năng đã được phân công, trước những diễn biến của dịch Covid-19 tại TPHCM, Viện Pasteur TPHCM đã phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM trong công tác xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ…
Đối với công tác xét nghiệm, Viện Pasteur đang hỗ trợ ngành y tế TPHCM thực hiện 3.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày, ưu tiên các mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 sau đó mới đến các trường hợp khác.
“Chỉ tính riêng trong ngày 15-6, Viện đã hỗ trợ TPHCM thực hiện khoảng 2.500 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có hơn 330 mẫu là của các trường hợp F1. Viện cũng đã xây dựng các kịch bản để sẵn sàng huy động, nâng cao công suất xét nghiệm dựa trên các tình huống thực tế của công tác phòng, chống dịch”, GS-TS Phan Trọng Lân thông tin.
Về công tác truy vết, điều tra dịch tễ, ThS-BS Lương Chấn Quang, Phụ trách Khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho biết, trong đợt dịch lần này, ngoài TPHCM, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 8 tỉnh, thành xuất hiện các trường hợp bệnh nhân Covid-19, với nhiều mối liên hệ liên quan.
Tính đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phía Nam không ghi nhận ca bệnh mới trong vòng 14 ngày qua, riêng 2 tỉnh Bình Dương và Tiền Giang hiện đang được xem là khu vực cần quan tâm trọng điểm. Tại TPHCM, công tác xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ được thực hiện với sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan với đầu mối chính là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM.
Đánh giá cao những nỗ lực, hiệu quả công tác của Viện Pasteur TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Viện Pasteur phối hợp, hỗ trợ TPHCM sớm triển khai các biện pháp test nhanh cho các đối tượng tiếp xúc ngay khi xuất hiện các ca dương tính nhằm nhanh chóng phân nhóm nguy cơ, để áp dụng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng nhóm.
Bên cạnh đó, Viện cần phối hợp cùng ngành y tế TPHCM nhanh chóng thực hiện các biện pháp xét nghiệm toàn diện hơn khi cần thiết nhằm phục vụ kịp thời công tác truy vết, điều tra dịch tễ; Xây dựng kế hoạch tổng thể về huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị xét nghiệm từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn để sẵn sàng điều động và ứng phó khi cần.