“Viên ngọc xanh” của vùng Đông Nam bộ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 5911/ VPCP- NN đồng ý thông qua chủ trương đề cử Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) là Vườn di sản ASEAN (Khu AHP) và giao Bộ TN-MT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, bộ ngành Trung ương hoàn thành thủ tục công nhận trước ngày 30-6-2025. Đây là thành quả rất đáng mừng sau 28 năm, từ khi “đóng cửa rừng”.

Nhận thức được mặt trái của phát triển công nghiệp tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái môi trường, ngay từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai chủ trương “đóng cửa rừng” tự nhiên để tập trung khoanh nuôi, bảo vệ, hình thành một vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn với diện tích hơn 150.000ha rừng tự nhiên liền mạch nằm ở phía Bắc của tỉnh. Đến năm 2004, tỉnh Đồng Nai chính thức thành lập Khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 100.000ha cả rừng và hồ Trị An nhằm bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện còn, khôi phục, làm giàu rừng, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử cách mạng. Đồng thời bảo vệ môi trường, vùng nước đầu nguồn, phát huy giá trị vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An, hạ lưu sông Đồng Nai phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ.

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, năm 2011, Khu bảo tồn cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới. Khu bảo tồn cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện đầu tư vốn ngân sách và một số nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Đến nay, rừng trong Khu bảo tồn hồi sinh mạnh mẽ với hơn 1.400 loài thực vật, hơn 2.200 động vật, trong đó nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm như bò tót, voọc chà vá chân đen, gà lôi hồng tía, khỉ đuôi lợn và đặc biệt đã ghi nhận có quần thể voi châu Á hoang dã với hơn 20 con đang sinh sống - thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được Nhà nước có chính sách ưu tiên bảo vệ, góp phần tạo nên một trong những khu rừng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất vùng Đông Nam bộ.

Về lịch sử, Khu bảo tồn từng là Chiến khu Đ lừng lẫy với 3 di tích lịch sử là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông, Địa đạo Suối Linh gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kháng chiến chống Mỹ.

Có thể nói, trong suốt 20 năm qua, Khu bảo tồn đã thực hiện thành công sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị sinh thái, văn hóa và di tích lịch sử. Nơi đây là ngôi nhà của hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm, được ví như một “viên ngọc xanh” giữa lòng miền Đông Nam bộ, giữ vai trò thiết yếu trong cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn nước và môi trường sống cho người dân của cả vùng nên cần phải tiếp tục được gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện dự án xây dựng hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An thành khu Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) mới của Việt Nam đã được Bộ TN-MT góp ý, đơn vị tư vấn chỉnh sửa và đang dịch hồ sơ sang tiếng Anh để gửi lại Bộ TN- MT, trước khi trình Chính phủ xem xét.

Tin cùng chuyên mục