Ngày 3-4, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), đại diện Viện kiểm sát (VKS) đối đáp lại với các quan điểm của luật sư bào chữa và bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo đại diện VKS, lập luận của luật sư: “Trương Mỹ Lan lấy đâu ra tiền để chiếm đoạt và chiếm đoạt cái gì ?” là không nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Kết quả điều tra đã chứng minh rõ thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB như bị cáo và luật sư trình bày.
Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa; đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản bảo đảm có giá trị thấp. Nếu như bị cáo có đủ nguồn lực tài chính thì bị cáo đã tất toán các khoản nợ, khoản phải thu tại thời điểm hợp nhất.
Bị cáo không hề có tiềm lực tài chính nhưng lại muốn sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.
Luật sư hỏi tiền ở đâu ra để chiếm đoạt, đó là tiền huy động của người dân và đó chính là số tiền mà hiện nay Nhà nước đang phải gồng mình, bằng mọi biện pháp để cho SCB vay một số tiền khổng lồ cho SCB duy trì hoạt động, chi trả cho người dân, ổn định tình hình kinh tế, chính trị đất nước.
Số tiền mà Nhà nước đang phải cho SCB vay không biết đến khi nào thu hồi được. Số tiền lớn khổng lồ này đáng lẽ được sử dụng cho nhiều công việc có ích cho đất nước, cho nhân dân, cho chúng ta và con cháu của chúng ta, đại diện VKS nhấn mạnh.
Quá trình điều tra, 1.169 tài sản liên quan Trương Mỹ Lan đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên. Các tài sản này chính bị cáo Trương Mỹ Lan đã thừa nhận của bị cáo hoặc có liên quan bị cáo, nhờ, thuê người đứng tên.
Trong số các tài sản này chỉ có khoảng 60 tài sản mua trước năm 2012, do đó các tài sản mua được sau năm 2012 chiếm đa số, thời điểm sau khi hợp nhất và thâu tóm SCB (khoảng 1.109/1169 tài sản, chiếm 94,8%).
Theo luật sư, lần đầu tiên xét xử và đề nghị một nữ doanh nhân với mức án tử hình. Đại diện VKS đối đáp lại, luật sư quên một mệnh đề quan trọng là “lần đầu tiên có một nữ doanh nhân bằng nhiều nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt tài sản với giá trị đặc biệt, đặc biệt lớn như vậy”, đại diện VKS lập luận.