Liên quan tới hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án trên, trong phần bào chữa, ông Đinh La Thăng và các luật sư nói: Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB là chủ đầu tư nên chỉ có chủ đầu tư mới có quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, xây dựng nhà máy, ông Thăng chỉ có chủ trương, việc chỉ định thầu cuối cùng vẫn phải do PVB quyết định.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định, bản thân trong các cuộc họp đều là những chỉ đạo đúng, không sai, bị cáo không đồng phạm với chủ đầu tư, vụ án này không có nhóm lợi ích.
Bị cáo Trần Thị Bình, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN và các luật sư bào chữa cũng cùng quan điểm trên.
Đối đáp lại để làm rõ vấn đề, VKS khẳng định, trước hết, những quan điểm trên là không có căn cứ. Bởi, việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh học trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ ở phía Bắc là nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Công thương giao cho PVN.
Bị cáo Đinh La Thăng đã chủ trương giao cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) được nhận thầu dự án Ethanol Phú Thọ để PVC được chỉ định thầu; bị cáo Thăng vừa có sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ trực tiếp đối với PVC vừa chỉ đạo trực tiếp đối với người đại diện vốn tại PVN và tại các đơn vị có vốn góp và PVB.
VKS nhận định, xem xét các văn bản chỉ đạo của bị cáo Thăng đây không phải là suy diễn chủ quan của năng lực liên danh nhà thầu, mà các bị cáo hoàn toàn biết rõ năng lực liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực thực hiện dự án, nhưng bị cáo Thăng đã chỉ đạo không xem xét về năng lực nhà thầu, chỉ xem xét về giá gói thầu theo chủ đầu tư đưa ra.
“Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình vi phạm Luật Xây dựng năm 2003, cấu thành tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, đúng như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, không có cơ sở chấp thuận luận điểm mà các bị cáo đưa ra. Trong vụ án, thể hiện giữa các bị cáo, từ bị cáo là người đứng đầu tới các bị cáo là nhân viên của các đơn vị cấp dưới có sự thống nhất, câu kết với nhau để cùng thực hiện hành vi tội phạm”, VKS nêu.
Cùng với đó, VKS cho rằng, trong vụ án là vấn đề “nhóm lợi ích tiêu cực”, các bị cáo có sự câu kết với nhau để thực hiện hành vi sai trái, đó chính là tiêu cực.
Viện dẫn của VKS tiếp tục cho rằng, đây không phải đặt vấn đề nhóm lợi ích như bị cáo Thăng bào chữa, VKS đặt vấn đề là nhóm lợi ích tiêu cực, vì các bị cáo đã câu kết với nhau, cùng thực hiện một việc làm trái pháp luật, là tội phạm.
Trong khi đó, tiếp tục đối đáp với phần bào chữa của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trước đó các luật sư bào chữa cho rằng, việc phân hóa vai trò của bị cáo Thanh chưa đảm bảo, nhưng đại diện VKS cho rằng, trong nhóm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm, thì Thanh giữ vai trò cao hơn.
Theo VKS, mặc dù PVN chỉ đạo, nhưng PVC và PVB cũng có sự độc lập trong thực hiện chỉ đạo của PVN. Bị cáo Thanh đã chỉ đạo cuộc họp để tổ chức thực hiện dự án, VKS đánh giá vai trò Thanh cao hơn, hơn nữa, trong quá trình xét hỏi tại tòa, Thanh cũng không nhận tội, thiếu thành khẩn.
Với quan điểm bào chữa, hành vi chỉ định thầu không gây thiệt hại, VKS cho rằng mục đích chỉ định thầu là tìm ra nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án, đạt được hiệu quả đầu tư, tuân theo quy định. Tuy thiên, các bị cáo ở PVC, PVN, PVB đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến dự án dừng thi công; nguyên nhân chính dự án dừng thi công là từ phía PVC, thể hiện ở năng lực kinh nghiệm không đạt.
“Từ hành vi chỉ định thầu đã gây ra hậu quả như cáo trạng truy tố”, VKS khẳng định.