VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cho bà Trương Mỹ Lan

Sáng 3-4, phiên tòa phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và các đồng phạm giai đoạn 2 bước sang phần tranh luận.

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nêu quan điểm, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (hơn 30.000 tỷ đồng), “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (hơn 106.000 tỷ đồng) và tội “Rửa tiền” (hơn 445.000 tỷ đồng).

Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù tội "Rửa tiền", 8 năm tù tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"; tổng hợp hình phạt là án chung thân là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Xét kháng cáo của bị cáo Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Viện kiểm sát nhận định, bà Lan có 91% cổ phần tại Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB), bị cáo có quyền quyết định chi phối mọi hoạt động của Vạn Thịnh Phát và các công ty con và bị cáo cũng là người chủ trương phát hành trái phiếu.

Các bị cáo tại SCB có hành vi phối hợp, dùng thủ đoạn gian dối để chạy các dòng tiền khống, qua đó phát hành trái phiếu để phát hành 25 mã trái phiếu tại 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gồm: An Đông, Sunny Word, Quang Thuận và Setra), lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 bị hại. Việc bị cáo Lan nói mình không đưa ra chủ trương phát hành gói trái phiếu, tất cả các việc liên quan tài chính tại SCB do Nguyễn Phương Hồng (đã chết) điều hành... là không có cơ sở.

z6439540228241_c04783f553ee6f827828d65c72f5210e.jpg
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM tham gia phiên tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, chính quy trình như lên phương án để lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống giữa các tổ chức phát hành với các trái chủ sơ cấp, các công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư các dự án sinh lời; lập, ký khống các chứng từ giao dịch và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB.... đã thể hiện rõ thủ đoạn gian dối, mục đích chiếm đoạt tiền của các trái chủ.

Tuy nhiên, xét đến hiện tại, số tiền bị cáo Lan thi hành đến giai đoạn này tương đương 1/4 số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm. Do đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng có thể xem xét giảm nhẹ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đối với kháng cáo về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Rửa tiền” của bị cáo Trương Mỹ Lan, Viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ, cơ sở kết luận bị cáo có hành vi phạm tội, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.

z6439539543906_fca4d7667b35d094743f51c2f58bfa02.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với kháng cáo của các bị cáo còn lại, đại diện Viện kiểm sát xét thấy các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, có thái độ ăn năn hối cải, tích cực hợp tác tại giai đoạn sơ thẩm. Các bị cáo Trịnh Quan Công, Hồ Bửu Phương, Ngô Thanh Nhã, Trương Huệ Vân, Đặng Phương Hoài Tâm, Trần Thị Thúy Ái, Trần Thị Lan Chi… tự nguyện dùng tiền cá nhân khắc phục hậu quả chung của vụ án. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho các bị cáo này.

Đối với kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Phương Anh (phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), đại diện Viện kiểm sát cho rằng không có tình tiết mới nên không có căn cứ xem xét. Đối với kháng cáo của các bị hại, Viện kiểm sát cũng nhận định không có căn cứ xem xét.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, dù không kháng cáo nhưng theo Viện kiểm sát, tại phiên phúc thẩm, bị cáo này đã tích cực nộp thêm tiền khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.

Sau khi Viện kiểm sát nêu quan điểm, bị cáo Trương Mỹ Lan khóc nghẹn, trình bày vụ án xảy ra ngoài mong muốn. Bà chủ Vạn Thịnh Phát khẳng định mình không đồng ý nhận định “bị cáo cho chủ trương phát hành trái phiếu” vì thời điểm đó bị cáo không biết thông tin.

Dành nhiều thời gian nói về hoàn cảnh, bị cáo Trương Mỹ Lan nói mình tự hào vì thời gian qua đã giúp SCB hoạt động không có vốn nhà nước, tự lực tất cả tiền bạc và chưa từng "làm phiền" đến Nhà nước trong các hoạt động. "Bị cáo không thể sống được lâu, chỉ mong muốn được ghi nhận sự cống hiến, hy sinh và xem xét giảm án để tạo động lực, tinh thần giải quyết hậu quả", bà Lan trình bày.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đã tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: Tham ô tài sản (tử hình), Đưa hối lộ (20 năm tù), Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù). Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Tin cùng chuyên mục