Ngày 4-4, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) và đồng phạm.
Trình bày quan điểm, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo: Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) không đủ điều kiện hưởng án treo theo quy định vì các bị cáo này có đến 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và phạm tội nhiều lần.
Đồng thời, hành vi của các bị cáo cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe phòng ngừa chung. Vì thế, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo với các bị cáo.
Với bị cáo Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, cựu giảng viên đại học), đại diện VKS cho rằng với những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết luận giám định và lời khai, lời trình bày của bị cáo tại phần xét hỏi có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo VKS, bị cáo Quân chưa thực sự tỏ rõ sự ăn năn hối cải tại phiên tòa và cũng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Quân về việc xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về tội danh và hình phạt; đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của những người liên quan về việc xác định lại tư cách tố tụng.
Trước đó, vào ngày 21-9-2023, TAND TPHCM xử sơ thẩm các bị cáo về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 30 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng 18 tháng tù.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2022, bà Hằng sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn có nội dung bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân của 10 cá nhân.
Các bị cáo Nhi, Hà và Tân đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, chuẩn bị nội dung… từ đó cấu thành hành vi đồng phạm. Bị cáo Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.