Viện Kiểm sát: Đăng kiểm viên không có nghiệp vụ giống như bác sĩ không có trình độ, làm sao tìm ra bệnh để chữa?

Chiều 8-8, phiên toà xét xử “đại án” Cục Đăng kiểm tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KSND TPHCM với nhóm bị cáo Trần Lập Nghĩa và 17 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên làm việc tại các trung tâm đăng kiểm tại miền Tây do Nghĩa làm chủ đầu tư.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên cấp dưới nhận hối lộ, giả mạo trong công tác để hưởng lợi 14,7 tỷ đồng và đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục ĐKVN.

Tại phần luận tội, Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với Trần Lập Nghĩa từ 28-30 năm tù cho 3 tội “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Các bị cáo khác trong nhóm này bị đề nghị từ 2 năm tù treo đến 27 năm tù giam.

ĐK187r.jpg
Bị cáo Trần Lập Nghĩa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại phần bào chữa, các luật sư cho rằng Viện Kiểm sát đề nghị mức án nặng và quá nghiêm khắc, không đồng ý tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Có luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Tự bào chữa, hầu hết các bị cáo trình bày làm việc dưới sự điều hành, chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa.

Theo kiểm sát viên, Viện Kiểm sát đã thận trọng xem xét, đánh giá và kiểm tra các tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho tất cả các bị cáo. Đối với quan điểm của các luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định là không có căn cứ. Viện Kiểm sát đề nghị mức án với HĐXX là đã cân nhắc, đánh giá cẩn trọng trên cơ sở đánh giá chứng cứ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo và đảm bảo sự phân hóa, có tính nhân văn, khoan hồng. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể như thế nào, thuộc thẩm quyền của HĐXX.

Tp Trực.jpg
Thẩm phán, chủ toạ phiên toà. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với nhóm hành vi giả mạo trong công tác, theo chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa, các Phó giám đốc gồm Nguyễn Minh Trị, Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Nguyễn Thanh Đông, Trần Minh Lý của các trung tâm đăng kiểm do Nghĩa làm chủ, đã chỉ đạo đưa tên các đăng kiểm viên không có thật, hoặc đúng là đăng kiểm viên nhưng thực tế không làm việc tại trung tâm, để phân công thực hiện các công đoạn trong quá trình kiểm định xe cơ giới. Sau đó, chỉ đạo các nhân viên in sổ phân công đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký, ký thay các đăng kiểm viên để hoàn tất các công đoạn trong quá trình kiểm định.

z5643959838549_30a5a721201a3ed0034453d6e7aa9824.jpg
Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên toà. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, các bị cáo với chức danh Phó Giám đốc, được Cục ĐKVN cấp chứng nhận đăng kiểm viên bậc cao, quản lý nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm, các bị cáo cố ý bỏ qua các quy định về nghiệp vụ, cố ý làm trái quy định khi thực hiện nhiệm vụ, đồng phạm cùng Trần Lập Nghĩa giả mạo các đăng kiểm viên.

Luật sư.jpg
Các luật sư tham gia phiên toà. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các bị cáo Khương, Trị, Đông… và các luật sư cho rằng, các bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nghĩa, không trực tiếp ký tên nên đề nghị xem xét lại tội danh do thiếu hiểu biết.

Tranh luận bổ sung, bị cáo Trần Lập Nghĩa trình bày chỉ mong vụ án nhanh kết thúc để bị cáo đi thi hành án. Bị cáo đề nghị những khoản thu lợi bất chính của bị cáo được tính đúng và tính đủ, đề nghị xem xét mức án thấp cho nhân viên của bị cáo.

VKS đề nghị án.jpg
Đại diện Viện KSND TPHCM đối đáp tại phiên toà. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đại diện Viện Kiểm sát đặt vấn đề: “Khi trung tâm không đủ điều kiện thực hiện hoạt động kiểm định, khi đăng kiểm viên không có trình độ, không có nghiệp vụ kiểm tra phương tiện thì giống như bác sĩ không có trình độ, làm sao tìm ra bệnh để chữa? Từ đó để cho phương tiện không đủ điều kiện được lưu thông trên đường, dẫn đến tỷ lệ tai nạn ở nước ta cao khủng khiếp; xe có tuổi thọ quá lâu, xả khói mù mịt vẫn lưu thông… liệu có phải cũng do nguyên nhân từ các trung tâm đăng kiểm của các bị cáo hay không?”

Tin cùng chuyên mục