Đối đáp lại với các quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho hay ngoài Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt thì 9 bị cáo tại tòa đều thừa nhận sai phạm của mình. Các luật sư bào chữa cũng cho rằng thân chủ của mình có hành vi phạm tội nhưng băn khoăn tội danh bị truy tố là sai hoặc phải là một tội nhẹ hơn.
Liên quan tới hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng, đại diện Viện Kiểm sát cho hay, năm 2012, ông Vũ Huy Hoàng với tư cách là Bộ trưởng, thành viên chính phủ đã tham gia ban hành nghị quyết về cấm đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vì lý do suy thoái kinh tế. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính. Theo Viện Kiểm sát, bản thân ông Hoàng thời đó là người tham gia xây dựng văn bản pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật.
Sau khi nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng tòa cao ốc trên khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) thất bại do thiếu năng lực tài chính.
"Ông để lại bút tích chỉ đạo Sabeco khi chọn nhà đầu tư mới phải báo cáo để Bộ Công Thương quyết định. Đây thể hiện sự chỉ đạo trực tiếp mang tính quyết định, ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình dù đúng hay sai. Bởi vậy ông Hoàng nói không có chỉ đạo là không đúng", Viện Kiểm sát phản bác.
Về quan điểm trong vụ án này, các bị cáo mỗi người thực hiện một phần việc, không có đồng phạm. Viện Kiểm sát cho rằng 10 bị cáo ở hai nhóm tội khác nhau nhưng đều tiếp nhận ý chí của cấp trên để đồng loạt thực hiện hành vi trái pháp luật. Đó là đồng phạm.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, các bị cáo "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" nói làm theo chỉ đạo cấp trên, tổng hợp lại rồi đưa cho lãnh đạo ký, theo VKS là không đúng.
Bởi theo cơ quan tố tụng, tại điểm c, Điều 26 Quy chế làm việc của UBND TPHCM có nói “các bị cáo làm việc có quyền kiểm tra độc lập và chịu trách nhiệm…”. VKS cho rằng, nếu chỉ là tổng hợp rồi đưa cho lãnh đạo ký thì chỉ cần lấy học sinh lớp 12, đào tạo thêm một tí về văn phòng là làm được; không cần phải phấn đấu cả đời như các bị cáo.
Viện Kiểm sát cho rằng, chức trách nhiệm vụ của mỗi bị cáo là khác nhau, nhưng đều quy định trong Quy chế làm việc của UBND TPHCM. “Trong trường hợp thẩm tra hồ sơ mà không thấy đúng, các bị cáo phải có trách nhiệm báo cáo lại, nhưng các bị cáo ngồi đây toàn làm sai, kể cả hai nhóm tội đều đồng loạt tiếp nhận ý chí cấp trên, không có phản hồi”, đại diện VKS khẳng định và cho rằng, hành vi đó là đồng phạm.
Trong ngày, Viện Kiểm sát cho rằng, thiệt hại trong vụ án có thể được khắc phục cơ bản bằng cách HĐXX tuyên hủy các văn bản trái pháp luật liên quan tới vụ án.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị không đề xuất yêu cầu các bị cáo phải bồi thường, không áp dụng hình phạt bổ sung. “Việc cho thuê đất trái pháp luật chỉ là một mắt xích trong nhóm bị cáo, đối với hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng và bị cáo Phan Chí Dũng, chúng tôi truy tố về các hành vi sai trái, chỉ nêu những hành vi chính. Để thực hiện hành vi đó còn nhiều văn bản liên quan mà không đưa vào cáo trạng được", đại diện Viện Kiểm sát nêu.
Đồng thời cho rằng, trách nhiệm của bị cáo Hoàng và bị cáo Dũng phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của cơ quan đại diện quyền sở hữu. Viện Kiểm sát nói các luật sư bào chữa các bị cáo không có quyền quản lý là sai.
Đại diện Viện Kiểm sát kết luận, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã để lại "những dấu chân trên con đường phạm tội". Những phân tích của bị cáo Hoàng và luật sư bào chữa cho bị cáo là những lời ngụy biện để chối bỏ hành vi sai phạm. Bị cáo biết rõ trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, để lại hậu quả đặc biệt lớn.