Theo kế hoạch, ngày 24-12, gần 2,5 triệu cử tri Libya đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu sau 10 năm kể từ ngày nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ đã dời lại vô thời hạn.
Danh sách chạy đua vào ghế Tổng thống Libya có 98 người, trong đó 73 người chính thức được ủy ban bầu cử nước này chấp thuận. Nhưng, theo ghi nhận của giới quan sát, toàn cảnh chính trị Libya bị chia rẽ đến nỗi ngay cả nhóm 73 ứng cử viên chính thức vẫn bị các đối thủ coi là những ứng viên bất hợp pháp.
Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Ông Jamal Benoma, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, phân tích chỉ nội việc các ứng viên phủ nhận tính chính đáng của các đối thủ cho thấy, dù bầu cử có diễn ra đi nữa thì kết quả sẽ không bao giờ được mọi người công nhận. Trong số ứng viên tranh cử có 3 gương mặt nổi bật gồm: Saif al-Islam Gaddafi, con trai cố lãnh đạo Gaddafi; Thống chế Khalifa Haftar, được Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ và đương kim thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibeh. Anas El Gomati, Giám đốc Viện Nghiên cứu độc lập Sadeq, trụ sở tại thủ đô Tripoli (Libya) cho hay, nếu như con trai của ông Gaddafi giành được quyền lực, Libya sẽ lao vào một cuộc chiến do phe chống Gaddafi khởi động hay một cuộc tổng tấn công nhắm vào Tripoli do Thống chế Haftar dẫn đầu. Cũng không ai tin và để yên cho ông Dbeibeh, người tuyên bố không tham gia tranh cử nhưng rồi đổi ý, muốn ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Những vấn đề cốt lõi thách thức Libya từ 2012 đến nay như chia rẽ trong hàng ngũ quân đội, cảnh sát, trong các định chế của nhà nước… đẩy Libya vào tình thế bất ổn cho đến nay vẫn tồn tại.
Libya là 1 trong 10 quốc gia có dự trữ dầu hỏa lớn nhất thế giới. Từng là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển và thịnh vượng nhất khu vực Bắc Phi. Sau khi phương Tây can dự vào năm 2011, lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, quốc gia này trở thành đất dụng võ của các nhóm thánh chiến Hồi giáo đe dọa toàn khu vực trong vùng Sahel châu Phi. Liên hiệp quốc từng rất kỳ vọng vào cuộc bầu cử lần này, xem đây là lối thoát duy nhất đưa Libya ra khỏi chu kỳ hỗn loạn 10 năm.
Việc hoãn vô thời hạn cho thấy, viễn cảnh vãn hồi hòa bình và ổn định tại quốc gia này thật sự rất xa vời.
MINH CHÂU