Xứ sở băng giá Nam cực biến mất, hơn 1/2 dân cư Trái đất phải sống thường xuyên trong bầu không khí nắng nóng vượt quá sức chịu đựng, 2 tỷ người thiếu nước, sản lượng lương thực sụt giảm 1/5, đại dịch xảy ra thường xuyên, hơn 1 tỷ người phải tị nạn vì khí hậu… Đó là viễn cảnh mà Trung tâm Nghiên cứu khí hậu BNCCR của Australia đưa ra trong báo cáo được công bố hồi cuối tháng 5 cùng với dự đoán “văn minh nhân loại sẽ lụi tàn” vào năm 2050 - tức chỉ trong vòng 30 năm nữa do biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát của con người. Trong báo cáo, các tác giả khẳng định hành tinh và nhân loại sẽ đi đến cái điểm không thể vãn hồi trong vòng nửa thế kỷ nữa. Viễn cảnh rất nhiều vùng trên Trái đất sẽ không còn là nơi con người có thể sinh sống dẫn đến sự sụp đổ của các dân tộc và trật tự thế giới.
Mục tiêu của báo cáo trước hết là cho công chúng Australia, nhưng đã trở thành một hiện tượng truyền thông quốc tế bởi thông điệp chấn động. Theo nhiều chuyên gia, dù cách diễn đạt văn minh nhân loại lụi tàn có thể gây ấn tượng bi quan, nhưng một hình ảnh báo động mạnh mẽ như vậy là cần thiết. Bản thân báo cáo này cũng chỉ dẫn lại nhiều dữ liệu trong các kịch bản tồi tệ nhất về biến đổi khí hậu đã được giới khoa học quốc tế đúc kết.
Nói về những di dân phải tị nạn do biến đổi khí hậu, chuyên gia Francois Gemenne, Đại học Liege (Bỉ), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Pháp, cho biết hàng năm khoảng 25 triệu người phải lánh nạn vì lý do liên quan đến các thảm họa môi trường khiến môi trường sống của họ đột ngột bị hủy hoại như lũ lụt, bão tố, hạn hán… Nguyên nhân trực tiếp khiến 86% trong số đó phải lánh nạn là do biến đổi khí hậu.
Trong một nghiên cứu được công bố đầu tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học thuộc trung tâm NASA của Mỹ và trung tâm nghiên cứu Krasnoyarsk của Nga dự báo vùng Siberia từ đây đến 2080 có thể thành mảnh đất lánh nạn cho hàng trăm triệu người tị nạn khí hậu. Siberia rộng khoảng 13 triệu km2, với khí hậu hết sức khắc nghiệt, mới chỉ có khoảng 39 triệu người sinh sống. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở đây là -50C. Toàn bộ gần như bị băng tuyết bao phủ. Nông nghiệp gần như không tồn tại. Nhưng biến đổi khí hậu có thể khiến tình hình thay đổi: nhiệt độ trung bình của Siberia có thể sẽ tăng từ 3,40C đến hơn 90C. Vấn đề là Siberia sẽ không phải là vùng đất hứa với dân tị nạn khí hậu. Khu vực này thiếu đất đai màu mỡ để trồng trọt. Chưa kể tầng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra, giải phóng khí methane cùng nhiều virus, vi khuẩn nguy hiểm.
Tất cả những nghiên cứu, báo cáo ở trên được đưa ra nhằm báo động về tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống trên hành tinh. Theo các chuyên gia môi trường, để tránh được kịch bản tồi tệ nhất cho Trái đất, những cư dân trên địa cầu cần phải thay đổi nhận thức, thay đổi triệt để cách tiêu dùng cũng như cách sản xuất.