Ngày 26-6, Ngân hàng HSBC thông báo kế hoạch điều chuyển khoảng 8.000 nhân viên làm việc tại trụ sở ở Canary Wharf, khu tài chính phía Đông London, Anh đến khu văn phòng phức hợp có tên Panorama St Paul gần trung tâm thành phố vào cuối năm 2026. Công trình này đang trong quá trình tu sửa với diện tích khoảng 516.000 m², chỉ bằng một nửa so với diện tích gần 1,02 triệu m² của trụ sở hiện tại. Ngoài ra, HSBC cũng cam kết cắt giảm tới 40% quy mô văn phòng trên toàn cầu thời gian tới, một trong những mục tiêu cắt giảm quyết liệt nhất trong nhóm các doanh nghiệp lớn.
Thời gian qua, thị trường bất động sản thế giới đã chứng kiến hàng loạt động thái thu hẹp quy mô văn phòng của nhiều tập đoàn lớn. Theo khảo sát của Công ty Bất động sản Knight Frank hồi tháng 5, hơn 50% tập đoàn lớn nhất thế giới có kế hoạch cắt giảm diện tích làm việc, từ 10%-20% trong vòng 3 năm tới. Các chuyên gia nhận định, việc các doanh nghiệp thu hẹp quy mô trụ sở, văn phòng làm việc một phần xuất phát từ xu hướng làm việc tại nhà nở rộ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành và đến nay vẫn duy trì.
Bên cạnh đó, thiết kế văn phòng xanh để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững cũng đang là xu hướng tất yếu trước áp lực từ các nhà đầu tư, tổ chức bảo vệ môi trường và cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp nhận ra rằng, sự lựa chọn không gian văn phòng phản ánh hình ảnh thương hiệu và ảnh hưởng đến cách khách hàng, đối tác và nhân viên tiềm năng cảm nhận về doanh nghiệp.
Bà Gerardine Davies, đồng sáng lập quỹ đầu tư Perenna Capital Management, nhận định, các doanh nghiệp lớn sẽ buộc phải thay đổi mô hình hoạt động trong khả năng cho phép để cùng theo đuổi chính sách xanh đồng bộ. Theo đó, nửa cuối năm 2023 sẽ được đánh dấu rõ ràng bằng xu hướng chú trọng đến việc khử carbon cho các không gian văn phòng. Đây cũng là một phần của phong trào Môi trường, xã hội, quản trị (ESG) ngày càng lớn hơn.
Và khi các công ty tăng cường chú ý đến tính bền vững và các sáng kiến tiết kiệm năng lượng tuân thủ ESG, bất động sản sẽ chiếm vị trí trung tâm. Bởi vì bất động sản thương mại là một trong những lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất cũng như là thủ phạm gây ra 40% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác của nền kinh tế, theo số liệu của Hội đồng Công trình xanh thế giới.
Năm 2023 sẽ chứng kiến áp lực gia tăng đối với các chủ sở hữu và nhà đầu tư phải công bố thông tin đầu tư về ESG nhiều hơn. Những khoản tiền phạt cực lớn sẽ bắt đầu từ năm 2024 đang khiến các tập đoàn phải thích nghi hoặc “chết”… Ví dụ, New York sẵn sàng thực thi các khoản tiền phạt với tổng trị giá 200 triệu USD đối với khoảng 3.700 bất động sản không đáp ứng quy định. Đạo luật chống biến đổi khí hậu ở New York được thông qua vào năm 2019 với kỳ vọng sẽ ngăn chặn đến 49 triệu tấn CO2 thải ra vào năm 2040, đã đến lúc sắp được áp dụng. Để đạt được mục tiêu này, các tòa nhà vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị phạt 268 USD/tấn bắt đầu từ năm 2024 và các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn dự kiến bắt đầu vào năm 2030.