Chuyên Khoa Da liễu

Viêm da cơ địa có thể được kiểm soát nếu điều trị đúng cách

Viêm da cơ địa có thể được kiểm soát nếu điều trị đúng cách

Bạn đọc Ngọc Dung, 40 tuổi, Tân Phú, TPHCM: Bác sĩ tư vấn dùm. Con tôi bị viêm da cơ địa, có khi được chuẩn đoán chàm. Mỗi khi thời tiết thay đổi là da cháu bị tróc, nứt nẻ, thậm chí ngón tay, chân bị loét và rỉ nước . Môn thể dục ở trường cháu luôn bị điểm thấp do ảnh hưởng của bệnh. Con gái tôi năm nay 11 tuổi, bị bệnh này từ nhỏ. Cháu rất mặc cảm, tự khép mình. Gia đình cũng cho cháu chạy chữa nhưng chỉ hết bệnh lúc đó, sau lại tái lại. Mong bác sĩ thương, tư vấn dùm có cách nào chữa khỏi hẳn cho cháu.

BS-CKI Nguyễn Minh Phong, Bác sĩ điều trị Da liễu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:

Chào chị Ngọc Dung,

Viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm thể tạng) là bệnh viêm da mãn tính thường gặp, dễ nhận thấy nhất là những mảng đỏ da, có thể mọc kèm mụn nước, da khô, bong vảy và gây ngứa. Tùy vào độ mẫn cảm của cơ thể, viêm da cơ địa có thể gây ra mức độ nặng nhẹ khác nhau và là một bệnh lý mạn tính có xu hướng tái phát theo từng đợt bệnh. Bệnh thường gặp ở người có tiền sử gia đình từng có người bị hen, viêm mũi dị ứng, viêm da. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và có thể tồn tại suốt đời.

Có thể chia viêm da cơ địa thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn cấp tính: da có thể bị nổi mảng đỏ, có thể kèm mụn nước, ngứa nhiều. Vết thương ướt, chảy dịch vàng, phù nề. Dễ bị bội nhiễm vi trùng từ môi trường ngoài.

Giai đoạn bán cấp: da giảm đỏ, giảm tiết dịch, đóng mài vàng và lên da non, các tình trạng ảnh hưởng đến da có dấu hiệu nhẹ hơn giai đoạn cấp tính.

Giai đoạn mãn tính: xuất hiện các mảng dày da, tăng sừng lichen hóa, vết nứt nẻ, ngứa da thường xuyên và dai dẳng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Viêm da cơ địa có thể đến từ một số nguyên nhân:

  • Di truyền: Nếu cả ba và mẹ cùng bị bệnh thì con sinh ra có đến 80% nguy cơ mắc bệnh (đã xác định được một số gen liên quan đến bệnh viêm da cơ địa).
  • Yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát: Các dị nguyên có trong bụi nhà, lông động vật, quần áo, đồ dùng gia đình…; nhiễm khuẩn, đặc biệt là tụ cầu vàng.
  • Rối loạn cân bằng đáp ứng miễn dịch.

Rất chia sẻ với trường hợp con gái của chị Dung hiện nay 11 tuổi, được chẩn đoán bị viêm da cơ địa từ nhỏ và cháu thường tự ti do những khó khăn mà các đợt viêm da cấp gây ra, ảnh hưởng đến các sinh hoạt thông thường và tâm lý của cháu.

Bác sĩ xin thông tin đến chị rằng: Bệnh viêm da cơ địa là bệnh mãn tính hay tái phát. Tuy nhiên, khoảng 70% trẻ bị viêm da cơ địa sẽ khỏi bệnh ở tuổi trưởng thành. Còn lại 30% kéo dài dai dẳng. Và đây cũng không phải là một bệnh nguy hiểm, nếu được điều trị đúng cách, bệnh có thể kiểm soát được, duy trì da ở trạng thái bình thường trong thời gian dài, hạn chế tần suất xuất hiện và ảnh hưởng của các đợt phát bệnh.

Chị nên đưa cháu đến các phòng khám, cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa da liễu uy tín để thực hiện kiểm tra, chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh của cháu. Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng da, giúp cháu cởi bỏ tự ti để trở lại với sinh hoạt bình thường. Lưu ý, tuyệt đối không tự điều trị bằng thuốc cho cháu, tránh gây ra các biến chứng không mong muốn. Xin thông tin đến chị.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục