Biến chứng của bệnh lý nhiễm trùng
Trước thông tin trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2 người tử vong bất thường do nhiễm loại virus lạ gây viêm cơ tim, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu điều tra dịch tễ.
Bước đầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác định 2 trường hợp tử vong này là nữ giới, cùng làm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng ở 2 cơ quan khác nhau. Cả 2 người này đều được xác định tử vong do viêm cơ tim không rõ nguyên nhân nhưng không có mối liên quan dịch tễ, không lây cho nhau. Trước khi tử vong, cả 2 bệnh nhân đều không đi công tác nước ngoài nên loại trừ nguyên nhân nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài. Cùng với đó, tiến hành giám sát mở rộng tại 2 cơ quan nơi bệnh nhân làm việc, chưa phát hiện thêm ai có biểu hiện tương tự.
Trước các thông tin thu thập được về 2 trường hợp tử vong nêu trên, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định những thông tin lan truyền trên mạng về loại virus lạ gây viêm cơ tim, làm người mắc tử vong là không có cơ sở, trong các bệnh truyền nhiễm cũng không có dịch bệnh nào là viêm cơ tim do virus.
Làm rõ hơn về căn bệnh viêm cơ tim, PGS-TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, viêm cơ tim chỉ là một biến chứng của bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, có thể do nhiều loại virus, vi khuẩn gây ra, trong đó có thể là virus cúm, sởi, sốt xuất huyết, rubella... chứ không có virus nào mang tên virus viêm cơ tim, tấn công trực diện vào tim.
Còn PGS-TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ, nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn. Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác. Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim.
Dễ gây đột tử ở người trẻ
Theo thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia, số người bị viêm cơ tim ở nước ta khá ít, mỗi năm tại viện ghi nhận chưa tới 100 trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim. Theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự về bệnh viêm cơ tim cho thấy, căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 - 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Viêm cơ tim sẽ ảnh hưởng đến cơ tim và các hoạt động điện của tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim và là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim. “Ở người trẻ tuổi, bệnh viêm cơ tim chiếm tới 20% trong số các nguyên nhân gây đột tử” - PTS-TS Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, viêm cơ tim có từng mức độ nặng, nhẹ. Viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu, có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau ngực trái nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức. Trường hợp nặng, các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ngực; nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim; khó thở mệt mỏi. Do đó, điều trị viêm cơ tim phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Đối với nhiễm virus, điều trị triệu chứng là biện pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết các dạng viêm cơ tim. Trong giai đoạn cấp tính, liệu pháp hỗ trợ là chính, bao gồm cả nghỉ ngơi tại giường và sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định.
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo, bệnh viêm cơ tim tuy không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách: Thực hiện vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV, tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp. Đặc biệt, giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng, cũng như hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh giống như virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch và có bệnh lý mạn tính. Đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus.