Theo đó, về phát triển điện hạt nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử.
Do vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân; các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử, các quy định khác của pháp luật có liên quan và đã thể hiện dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hóa sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm.
Dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết.
Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.
Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo...), cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể; việc quy định để thực hiện xoá bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi.
Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện.
Dự thảo luật quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên.
Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đưa vào dự thảo luật, dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định luật này có hiệu lực từ ngày 1-2-2025.