Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7 đã được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay (16-8).
Theo báo cáo, cử tri và người dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế, góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong đó, cử tri và nhân dân đặc biệt đánh giá cao về việc xét xử công khai, nghiêm minh vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Ngoài ra, cử tri cũng bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã chỉ đạo không tăng học phí năm học 2023-2024 để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học; đánh giá cao việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe.
Tuy nhiên, người dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sạt lở, sụt lún, lũ quét tại một số địa phương, đặc biệt là vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc gây thiệt hại tính mạng của 3 cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân. Mưa lũ ở Yên Bái gây thiệt hại lớn về người và tài sản, vỡ hệ thống xả tràn hồ chứa thải tại xã Tả Phời, TP Lào Cai… Tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn; giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt, hàng tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng trước khi tăng lương và vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... cũng là những vấn đề cử tri lo ngại.
Tình trạng kinh doanh và sử dụng các chất kích thích, gây nghiện như khí gây cười, shisha, kẹo ngậm ảo giác… xuất hiện ngày càng nhiều và hướng đến đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, gây ra những hệ lụy không nhỏ là hiện tượng xã hội khiến cử tri bất an.
Nêu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng, Ban Dân nguyện đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá, tìm ra nguyên nhân xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún tại một số địa phương để có giải pháp thích hợp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
“Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, ổn định sản xuất và kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm, mang tính răn đe đối với hành vi kinh doanh, lôi kéo, cổ xúy việc sử dụng các chất kích thích, gây nghiện”, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ.
Một kiến nghị đáng lưu ý khác là xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh các trường hợp lừa đảo bằng hình thức du lịch miễn phí; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tiền công đức tại những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng...
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế.
Cùng với đó, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm dụng chức trách, nhiệm vụ để đưa ra các yêu cầu trái quy định để sách nhiễu, làm mất uy tín của doanh nghiệp có đề nghị hoàn thuế.