* Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Tôi thấy việc xây nhà hát là cần thiết! Thực ra đó là mong mỏi từ rất lâu của giới nhạc sĩ, giới âm nhạc Việt Nam. Ý nghĩa của nó không chỉ bây giờ mà còn có thể nhìn thấy tầm xa hơn nữa trong tương lai. Việc xây dựng nhà hát như vậy có thể coi là một mốc son trong lịch sử âm nhạc của nước nhà.
Tại Việt Nam, giao hưởng, nhạc, vũ kịch có lịch sử bắt đầu khoảng từ những năm 60 của thế kỷ XX khi thành lập Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Lúc đó, bên cạnh thế mạnh là dòng âm nhạc mang tính quảng đại quần chúng, thể loại âm nhạc là thế mạnh và chiếm đa số người hâm mộ trong nước là ca khúc thì các nhà lãnh đạo văn hóa, Chính phủ cũng đã hướng tới xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam hoàn chỉnh, cân đối mang tính quốc tế cao là giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch.
Tôi đồng cảm với xã hội của chúng ta, những khái niệm về nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng tuy không xa lạ nhưng còn tương đối mới mẻ. Có lẽ vì thế khi nói tới việc xây dựng nhà hát chuyên cho loại hình hoạt động này vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Ngay cả nhiều đồng nghiệp của tôi, nhiều nhạc sĩ cũng phát ngôn và bày tỏ quan điểm rằng nên dừng việc xây dựng nhà hát này, nhưng tôi biết trong số những người ấy không ít người chưa từng được thưởng thức nhạc giao hưởng trong một không gian chuẩn để cảm nhận được hết sức truyền cảm của loại hình âm nhạc này.
Nhưng tôi tin việc xây dựng nhà hát như vậy nếu đáp ứng đúng chuẩn mực về kiến trúc, tiêu chuẩn âm thành dành cho loại hình đặc thù này thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả lâu dài trong văn hóa, xã hội.
* Tại Hà Nội và TPHCM hiện có hai nhà hát lớn, những công trình này được xây từ thời Pháp thuộc và kết cấu, kiến trúc và tuổi đời đã hơn một trăm năm. Tuy nhiên để nói rằng hiện nay nó còn đáp ứng được các tiêu chí của các loại hình này chưa thì phải khẳng định là chưa.
Đây là hai nơi thường dùng biểu diễn nghệ thuật hàn lâm nhưng cơ sở vật chất đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, thưởng thức giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch.
Cũng một phần vì vậy mà nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác như bản giao hưởng Quê Hương của Hoàng Việt; kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh; vở opera Cô Sao của Đỗ Nhuận… đã không có nhiều cơ hội để đến với khán giả và người xem cũng ít có cơ hội để tiếp cận với các loại hình âm nhạc có hàm lượng nghệ thuật cao như vậy.
Thực tế, nhiều dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới được mời về biểu diễn phục vụ cho khán giả Việt Nam nhưng họ ngần ngại từ chối vì không có không gian biểu diễn phù hợp. Cũng nhiều dàn nhạc danh tiếng thế giới tới biểu diễn nhưng chất lượng nghệ thuật được chuyển tải đến với người nghe trong nước cũng chưa được hoàn hảo cũng bởi nguyên nhân này.
* Đúng là lực lượng nghệ sĩ của chúng ta ít. Hiện chỉ có 4 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này ở Hà Nội và TPHCM là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TPHCM, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam…
Tuy nhiên, không phải vì chúng ta có "ít gạo" mà chúng ta lại không tính đến chuyện sắm một cái nồi nấu cơm lớn. Thêm nữa, việc xây dựng một nhà hát, đây không chỉ là điểm biểu diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch TPHCM mà còn là trung tâm, là địa chỉ văn hóa của cả nước, là điểm đến của các dàn nhạc giao hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Nhà hát sẽ mang ý nghĩa là ngôi nhà chung của giới yêu nghệ thuật cả nước chứ không phải địa điểm của một đơn vị tại TPHCM. Các dàn nhạc quốc tế muốn biểu diễn ở nhà hát phải xếp lịch trước còn người mua vé thì phải đăng ký từ nhiều tháng, thậm chí cả năm.
Việc có được một tổ hợp âm nhạc với không gian, kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy âm nhạc phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo cơ hội khẳng định vị thế của âm nhạc, văn hóa Việt Nam.
Hơn thế, khi xây dựng được một nhà hát xứng tầm thì không chỉ mang đến những chuyển biến tích cực trong âm nhạc, trong việc hưởng thụ đời sống tinh thần mà còn đem lại những nguồn thu bởi từ chính âm nhạc, từ du khách trong nước và quốc tế. Tôi và những người làm âm nhạc chờ đợi một công trình ý nghĩa như vậy.
* Xin cảm ơn ông!