Chiều 11-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 19. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình phiên họp có bổ sung một số nội dung so với dự kiến ban đầu và sẽ kéo dài đến hết ngày 14-12.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực quyền hơn
Theo báo cáo, những điểm mới được quy định trong Luật về tổ chức, bộ máy và hoạt động của HĐND đã đáp ứng được phần lớn những yêu cầu trong việc nâng cao vị thế và vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Bước đầu các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan đã đi vào thực tiễn hoạt động của HĐND.
Nhìn chung, HĐND các tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo luật định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực quyền hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc, có việc còn hình thức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đáng lưu ý, ở một số nơi, việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết qui phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt.
“Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, nhiều địa phương chưa thực hiện được nội dung này. Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự TXCT chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; còn có địa phương không tổ chức cho đại biểu TXCT sau các kỳ họp (Quảng Ngãi)”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu rõ.
Cần chú trọng kiện toàn cán bộ HĐND
Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định, vai trò của cơ quan dân cử ngày càng quan trọng với khối lượng công việc nặng nề hơn, trong khi công tác cán bộ chưa được chú trọng đúng mức. Ở nhiều tỉnh, chất lượng đại biểu (ĐB) HĐND không cao.
Chia sẻ nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tỏ ra rất băn khoăn: "Nhìn lại cơ cấu lãnh đạo HĐND tỉnh thì thấy có 7 chủ tịch HĐND chỉ là Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, chứ không phải Phó Bí thư hoặc Bí thư. Ban Pháp chế HĐND nằm trong tình trạng nếu Trưởng ban là Ủy viên Thường vụ hoặc Tỉnh ủy viên thì không phải là chuyên trách, còn nếu chuyên trách thì lại không phải Thường vụ, thậm chí không nằm trong cấp ủy. Như thế rất khó hoạt động, trong khi những vị trí này cần có tiếng nói mạnh mẽ. Trình độ của các đồng chí Trưởng Ban pháp chế thế nào để đảm bảo đủ năng lực giám sát hoạt động điều tra truy tố xét xử?"
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Giàu, vừa qua, một số địa phương chưa chú trọng công tác tổ chức kỳ họp HĐND.
“Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã qua 4 kỳ họp Quốc hội, lẽ ra HĐND họp từ 3-6 kỳ, vậy mà có 3 tỉnh Gia Lai, Bắc Giang, Thanh Hóa mới họp có 2 kỳ, như vậy có đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục hay không?", ông Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề.
Từng đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐND một địa phương, ông Giàu nói, chất vấn ở HĐND tỉnh là cơ hội rất tốt để đi được đến cùng, làm ngã ngũ những vấn đề cụ thể. Mà như thế, cần tập trung chất vấn Chủ tịch UBND chứ không chỉ giám đốc các sở ngành.
Liên quan đến kiến nghị của Đoàn giám sát về mở rộng thành phần đến Thường trực HĐND tỉnh tham dự trực tiếp một số phiên họp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần tính kỹ xem có thực sự cần thiết hay không, "nếu có thì là những phiên không truyền hình trực tiếp mà thôi", ông Nguyễn Khắc Định kiến nghị.