Ngày 19-11, Bộ GD-ĐT tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Tham dự lễ kỷ niệm có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các tỉnh thành, các sở GD-ĐT. Đặc biệt, có sự tham dự của các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành.
Ngày 20-11-1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Khi đất nước thống nhất, ngày 20-11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống.
Đọc diễn văn lại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.
Theo Bộ trưởng, đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành giáo dục và các nhà giáo có đóng góp quan trọng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Bộ GD-ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển GD-ĐT cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian qua luôn gắn bó, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT. Cảm ơn các thầy cô đã biến các chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Bộ trưởng cũng bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt các em học sinh, em Phạm Việt Hưng - học sinh 12A1, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (1 trong 6 học sinh đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2022) đã phát biểu gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo đã dìu dắt, chỉ bảo các con phấn đấu và rèn luyện nên người.
Thay mặt các thầy cô giáo, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (nhà giáo ưu tú) cũng phát biểu bày tỏ cảm xúc của một nhà giáo đã 32 năm đứng trên bục giảng và cũng là của một thành viên trong một đại gia đình có 6 anh chị em cùng theo nghề dạy học. Sau chặng đường 32 năm nhìn lại, cá nhân cô luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Nó thậm chí ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Bởi nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo với ba mươi năm tuổi nghề, thậm chí 50-60 năm tuổi đời không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm thông dụng như hiện nay…
“Có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học”, cô Bảo Thúy chia sẻ.
Cô cũng tâm sự, trong cuộc đời làm nghề, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, vất vả và bộn bề những lo toan, nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt của học sinh, thấy sự trưởng thành, giỏi giang, sự tiến bộ vượt bậc của các em học sinh, các thầy cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc ấy có lẽ không thể đánh đổi bằng bất cứ giá trị nào. Vì thế, hành trang đến lớp của mỗi nhà giáo là tình yêu nghề nghiệp, là sự nỗ lực đổi mới và tự trang bị kiến thức. “Với tôi, chất lượng giảng dạy là danh dự. Tôi đã dạy học bằng cả trái tim và học trò của tôi đã học bằng khát vọng. Nghề đã chọn tôi và cho tôi thật nhiều cơ hội”, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy chia sẻ.
Một số ảnh Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: