Cứ mỗi lần có một chính sách mới, các doanh nghiệp liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô lại “giận lẫy” đòi ngưng sản xuất để chuyển qua nhập khẩu hay ngưng nhập khẩu... nhằm đòi hỏi những yêu sách có lợi cho mình. Việc Toyota và Honda thông báo tạm ngừng xuất khẩu ô tô vào Việt Nam lần này cũng không ngoài yêu sách nhằm tạo khan hiếm ảo, tăng giá bán.
Cách đây không lâu, thị trường ô tô trong nước “rúng động” bởi các liên doanh lắp ráp ô tô tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018. Còn mới đây, cả Toyota và Honda đều thông báo tạm ngừng xuất khẩu ô tô vào thị trường Việt Nam khiến dân “sính” hàng ngoại thất vọng. Cả hai hãng xe này đều cho biết, động thái ngừng sản xuất xe dành để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam là do vướng mắc tại Nghị định 116.
Cụ thể, nghị định này đưa ra các yêu cầu về kiểm tra khí thải và an toàn đối với các lô xe nhập khẩu; quy định xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp… khiến các hãng xe nhập khẩu vào Việt Nam phải tăng thêm nhiều chi phí, gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế cũng như giới kinh doanh ô tô, động thái trên của Toyota và Honda là nhằm gây áp lực lên chính sách, nhưng không tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường trong nước. Thậm chí, các hãng xe này vẫn được hưởng lợi, bởi họ đang có các nhà máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam với những mẫu bán chạy trên thị trường như Vios, Innova, CR-V, Civic... Và số lượng xe lắp ráp bán ra tại thị trường Việt Nam luôn trên 80%, còn số lượng nhập khẩu chiếm không đáng kể và cũng chỉ tập trung vào một số sản phẩm, không đại diện cho toàn bộ dòng xe đang có mặt trên thị trường.
“Nhập khẩu xe vào thị trường Việt Nam hay không thì doanh số bán hàng của các hãng này vẫn luôn năm sau cao hơn năm trước. Chẳng qua, họ cảm thấy thời điểm này nhập khẩu không lợi nhuận bằng sản xuất lắp ráp trong nước nên ngưng nhập cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, thông tin các hãng này ngưng nhập khẩu xe về Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng không còn tâm lý chờ đợi nữa và quay sang mua xe sản xuất trong nước. Từ đó, các hãng này vừa giải phóng được hàng tồn vừa tập trung vào sản xuất sản phẩm mới”, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hoàng Long, ông Nguyễn Phi Long, chuyên kinh doanh ô tô tại quận Bình Tân, TPHCM, nói.
Đồng quan điểm này, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh đều đánh giá về thông báo ngừng xuất khẩu sang Việt Nam của các doanh nghiệp nhập khẩu vào thời điểm này, chỉ là chiêu giữ giá cho các mẫu xe lắp ráp trong nước. Nhưng qua Tết Nguyên đán, sau khi có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) trong tay, các hãng này lại thông báo xuất khẩu lại vào Việt Nam và khi đó giá xe nhập càng cao chứ không giảm như mong đợi!
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017, toàn thị trường ô tô đạt doanh số 278.600 xe (bao gồm các dòng xe du lịch, xe tải, xe khách/bus và một số loại xe khác), giảm khoảng 9,3% so với năm 2016. Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm tỷ trọng 62% (tương đương với 173.485 xe), giảm 9,9% so với năm 2016; các dòng xe tải, xe khách/bus chiếm gần 35% (khoảng 99.082 xe) trong cơ cấu xe bán ra trong năm 2017. Nguyên nhân sụt giảm doanh số bắt nguồn từ tâm lý chờ đợi của khách hàng về viễn cảnh thị trường năm 2018 với giá xe thấp hơn khi Hiệp định Thương mại tự do AFTA có hiệu lực tối đa với mức thuế suất 0% cho các sản phẩm nhập khẩu trong nội khối ASEAN.
Theo đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), quy định về VTA đối với xe nhập khẩu đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu. Từ đó, tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ô tô thực sự. Bởi theo quy định, tất cả xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu trước khi nhập khẩu một kiểu loại ô tô sẽ phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành. Chính vì vậy, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, các rào cản mà một số doanh nghiệp ô tô phản ứng trong Nghị định 116 là nhằm hạn chế những doanh nghiệp nhỏ lẻ nhập khẩu, còn đối với các hãng lớn vẫn hoạt động bình thường. Việc siết chặt quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô cũng nhằm minh bạch hóa thị trường, ngăn ngừa sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Nghị định 116 ra đời sẽ là động lực để các doanh nghiệp phải đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô”, TS Trần Minh Ngọc nói.