Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán qua, không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động lại chật vật tuyển lao động để bù đắp số lao động sau khi về quê ăn Tết đã không trở lại làm việc. Và cũng không ít người lao động cũng chạy đôn chạy đáo tìm một công việc mới thích hợp hơn, có thu nhập cao hơn so với công việc tại công ty cũ.
Lý do thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc và mức thu nhập. Với lao động phổ thông, mức thu nhập hàng tháng không đủ chi tiêu cho bản thân và gia đình hoặc đủ nhưng không có tích lũy thì việc người lao động tìm một công việc mới là đương nhiên. Chính vì vậy không ít công ty đã tìm nhiều cách để đảm bảo mức sống cho người lao động, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi... nhằm giữ chân người lao động.
Đối với lao động có tay nghề, lao động trí óc thì thu nhập chưa phải là vấn đề cốt lõi để giữ chân lao động. Vấn đề là môi trường làm việc ra sao, có điều kiện để giúp họ phát huy hết khả năng của mình hay không. Nếu mức lương cao nhưng môi trường làm việc không phù hợp, không có điều kiện phát huy, thăng tiến... người lao động sẵn sàng từ bỏ để qua một đơn vị khác có mức lương thấp hơn, nhưng có điều kiện phát huy tay nghề, trí tuệ và đặc biệt có nhiều cơ hội thăng tiến.
Rõ ràng tuyển lao động kể cả phổ thông và trí óc không phải là việc quá khó, nhưng khó là làm sao giữ và phát huy hết khả năng của người lao động. Còn người lao động cũng không quá khó để kiếm được việc làm, vấn đề là công việc phù hợp với họ hay không.
Với mức thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam như hiện nay, hàng năm các doanh nghiệp cần hàng trăm ngàn lao động phổ thông, hàng chục ngàn lao động có tay nghề, lao động trí óc. Còn tại Việt Nam mỗi năm có hàng triệu học sinh phổ thông, hàng chục ngàn sinh viên ra trường cần việc làm cùng hàng ngàn sinh viên du học trở về nước. Như vậy có thể khẳng định cung có, cầu có nhưng mức cung cầu của từng loại lao động, từng ngành nghề ra sao, điều phối cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng và đào tạo như thế nào... xem ra vẫn chỉ dừng lại ở việc thống kê con số mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm điều phối để hướng nghiệp.
Đã có một thời người người đi học quản trị kinh doanh rồi người người rủ nhau đi học sư phạm hay nhà nhà rủ nhau vận động con em học ngành ngân hàng... và rồi những trí thức tương lai của đất nước dường như đang giẫm phải nỗi đau điệp khúc “trồng - chặt” của nông dân.
Ngoài việc lao động phổ thông thất nghiệp đi tìm việc trong khi doanh nghiệp đang luống cuống tuyển dụng người thì việc mỗi năm có hàng ngàn sinh viên ra trường không có việc làm, thậm chí không ít bạn đã vui mừng vì xin được vào làm... công nhân. Cũng không ít sinh viên học một đàng, xin việc thì làm một nẻo chẳng liên quan chuyên ngành mà mình và gia đình tốn bao nhiêu tiền của mài đũng quần 4 năm trên ghế giảng đường. Rõ ràng đấy là sự lãng phí nếu không muốn nói là lãng phí rất lớn.
Điệp khúc người tìm việc - việc tìm người, “học một đàng làm một nẻo” đã, đang diễn ra và trong tương lai gần vẫn sẽ còn tiếp diễn. Mong rằng trong tương lai xa, mỗi cá nhân, gia đình và xã hội... sẽ không còn phải lãng phí như vậy nữa!
Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy