Điều này tiếp tục khiến dư luận ngạc nhiên về tính hợp pháp, minh bạch của hoạt động này.
Tiếp tục thu tiền tác quyền
Cụ thể, theo thông tin chuyển tới báo chí, VCPMC khẳng định, từ tháng 10-2017, VCPMC sẽ tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn và mức phí là 25.000 đồng/tivi/năm.
Về cơ sở tính tiền tác quyền, theo VCPMC bên cạnh những căn cứ pháp lý thì căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức thu trọn gói 25.000 đồng/tivi/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của VCPMC trong các chương trình truyền hình của các kênh truyền hình được phát thông qua thiết bị truyền tải là tivi tại phòng lưu trú của khách sạn. Việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (các đài cung cấp mỗi năm/lần).
Đại diện VCPMC cho rằng, đây là phương án phân phối tối ưu nhất mà trung tâm này đã tham khảo từ các tổ chức thành viên quốc tế đối với hình thức cấp phép và thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua thiết bị truyền tải tivi tại các phòng lưu trú của khách sạn. Đối với số tiền thu được, VCPMC thực hiện phân phối vào quý 4 mỗi năm. Với tổng số tác phẩm 13.000 - 14.000 bài (bao gồm nhạc Việt Nam và nước ngoài), số tiền từ lĩnh vực này được trung tâm rà soát để nhập liệu phân phối (sau khi trừ thuế GTGT và hành chính phí theo quy định).
Chia sẻ về lý do bị tạm dừng thu vào tháng 5 vừa qua, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho biết, việc tạm dừng thu tiền quyền tác giả tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng tivi thời gian qua là để xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc và báo cáo Bộ VH-TT-DL để xác định cơ sở pháp lý và tính chặt chẽ, khả thi của hoạt động này. Cũng theo VCPMC, những vướng mắc này đã được tháo gỡ trong buổi làm việc với Cục Bản quyền Tác giả Văn học - Nghệ thuật (Cục Bản quyền) vào tháng 8.
Cục Bản quyền nói gì?
Tuy nhiên, ngày 12-9 trao đổi với báo chí về việc phải chăng Cục Bản quyền đã rút yêu cầu tạm dừng thu tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng khẳng định, không hề có văn bản đó. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, tại buổi làm việc của Cục Bản quyền với VCPMC ngày 18-8, một lần nữa yêu cầu về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc thu phí được nhắc lại, VCPMC chỉ có thể triển khai việc thu phí này khi xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật…”.
Lãnh đạo Cục Bản quyền cho biết, thực tế ở một số nước, việc thu tác quyền âm nhạc thông qua đầu tivi cũng được áp dụng theo hình thức trọn gói. Cụ thể như Hàn Quốc, mức thu 20.000 won/dưới 50 phòng; trên 50 phòng là 40.000 won… hay Nhật Bản là 1% doanh thu hoặc 100 yên/tivi/tháng… Tuy nhiên, đại diện Cục Bản quyền cũng khẳng định, do việc xây dựng, xác định biểu giá phải phù hợp với thực tiễn của đất nước, điều kiện kinh tế - xã hội, vì thế không thể áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, đó hoàn toàn là giao dịch dân sự, phải có sự đồng thuận cả hai bên. Ví dụ như những yêu cầu về việc đưa ra các hợp đồng ủy quyền hay chứng minh rõ ràng về việc có sử dụng tivi và trên tivi có phát các bài hát của các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm… là chính đáng.
Cũng theo Cục Bản quyền, bên cạnh việc thỏa thuận thu 25.000 đồng hay bao nhiêu cũng phải xác định cho được số tác phẩm - tác giả được khai thác trên tivi đó là của những hội viên được ủy quyền và được phát bao nhiêu lần…? Vì bên cạnh việc thu tác quyền còn việc phân phối. “Thu được mà phân phối không minh bạch thì cũng không được. Nguyên tắc cao nhất là phải rõ ràng, minh bạch”, ông Bùi Nguyên Hùng nói.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, cho biết: “Các tỉnh thành phía Nam chấp hành việc thu tác quyền âm nhạc theo mức giá nêu trên từ hơn 10 năm nay rất đàng hoàng. Đặc biệt, các siêu thị chấp hành rất nghiêm túc, như Co.opmart mỗi năm đóng 6 triệu đồng tiền tác quyền âm nhạc và điều chỉnh danh mục đĩa hát, ca khúc và được trung tâm hỗ trợ tối đa. Với các tỉnh thành khác, căn cứ vào thực tế khó khăn tại địa phương, chúng tôi đều điều chỉnh mức thu phù hợp, thậm chí không thu tác quyền âm nhạc để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị hoạt động”.
NHƯ HOA
NHƯ HOA