Chiều 1-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến 17 giờ ngày 31-10, cả nước có 22 tỉnh thành tổ chức được cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Về việc triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho học sinh, như TPHCM, Bình Dương, Ninh Bình…
PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vaccine cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16 - 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp. Việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch. Do đó, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, sự phối hợp của các nhà trường với y tế trong công tác tiêm chủng rất quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Do đó, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn. Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã nêu rõ Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để học sinh, sinh viên đến trường. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn này phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.
Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ sớm rà soát, bổ sung hướng dẫn “Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học” để tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học toàn quốc các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19, để “mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học”.
Hai bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường. Thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bộ cũng đề nghị các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành giáo dục; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT về tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh thành cũng chỉ đạo sở y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học; kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế trực, có đầu mối cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng chống dịch.