Tăng chóng mặt
Theo nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT của Bộ Tài chính phát hành, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với hiện nay. Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng ethanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.200 đồng/lít. Đối với dầu diesel, mức thuế lên 3.000 - 6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng/lít như hiện hành. Mỗi ký dầu mazut có thể cũng sẽ chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức tăng 900 - 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít. Xung quanh đề xuất này, trong cuộc họp báo định kỳ quý 1-2017 của Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (thuộc Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi lý giải, việc đề xuất điều chỉnh khung như trên nhằm ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Và mục tiêu chính là để phù hợp với các quy định hiện tại, phù hợp thực tế giá dầu thế giới cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN nói chung, do đó cần điều chỉnh cho phù hợp. Góp ý cho dự thảo này, có nguồn ý kiến cho rằng, việc đề xuất nâng thuế để vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách vừa BVMT cũng là hợp lý. Bởi khi đánh thuế cao, người dân sẽ sử dụng ít xăng dầu hơn, tạo cơ sở để cơ quan thẩm quyền có biện pháp giảm thiểu thiệt hại, phục hồi môi trường. Do đó, đây là một trong những loại thuế được nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, việc đánh thuế cũng phải phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa đó. Bởi hiện nay với hơn 80 triệu dân, đa số là người có thu nhập thấp và trung bình nên việc tăng thuế sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân. “Khi xăng dầu tăng, giá mọi thứ sẽ tăng theo từ sản xuất cho đến khâu lưu thông phân phối. Khi mặt bằng giá cả tăng, đồng tiền mất giá sẽ dẫn đến lạm phát, đời sống của đại bộ phận người dân sẽ khốn khó thêm. Chưa kể quỹ BVMT có được sử dụng đúng mục đích hay không, trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn đủ bề”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Khoa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, phân tích.
Thêm kiểu tận thu
Nêu thực tế ngành sản xuất sẽ bị tác động trực tiếp nếu dự thảo trên được Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa nói: “Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang hội nhập với thế giới, nên chỉ một thay đổi nhỏ trong chính sách sẽ làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao dịch và cạnh tranh. Khi tăng khung thuế BVMT sẽ gây thêm nhiều hệ lụy liên quan đến tăng giá nguyên liệu đầu vào của DN, làm giảm sức cạnh tranh, gây khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh”. Theo tính toán của các DN, với mức tăng nằm trong khung từ 3.000 - 8.000 đồng/lít sẽ tác động khoảng 7% chi phí đầu vào, từ khi sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Tất cả các chi phí đó sẽ được DN đưa vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ phải mua với mức giá cao hơn. Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, việc “tận thu thuế” bằng cách áp thuế cao ngay từ đầu vào sản phẩm là cách làm không hiệu quả. Bởi thực tế chỉ ra rằng, nếu đầu vào thu ít, sản xuất sẽ phát triển, tiếp đến thu chính ở khâu tiêu thụ mới bền vững, giúp nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó, việc điều chỉnh thuế BVMT cần được tính toán cụ thể.
Trong văn bản góp ý dự thảo nêu trên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho DN Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho DN ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, vô hình trung, chính sách này khiến DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. “Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu, những ngành chịu thiệt hại nặng nhất sẽ là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng, có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân”, văn bản của VCCI nêu rõ tác động tiêu cực khi tăng thuế BVMT.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cách thức hành thu như dự thảo đề xuất sẽ gây nhiều hệ lụy đáng ngại, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, từ đó dẫn đến thua thiệt ngay trên chính sân nhà. Hậu quả là DN sẽ không có lợi nhuận để đóng thuế, khiến thiệt đơn thiệt kép. Vì vậy, để đưa ra mức thuế BVMT phù hợp, cơ quan quản lý Nhà nước phải có các mô hình tính toán phù hợp dựa trên con số thu chi ngân sách hợp lý, tính đến các tác động đối với kinh tế - xã hội, đời sống người dân, “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như DN.