Chiều 2-11, UBND TPHCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM. Các đồng chí: Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo; Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM chủ trì.
Tại họp báo, đồng chí Trần Quốc Trung thông tin về Quy định 1629 về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác PCTNTC trên địa bàn TPHCM và khẳng định, việc mua tin PCTNTC không phải quy định mới. Ban Nội chính Trung ương đã vận dụng và một số tỉnh đã xây dựng quy định mua tin. TPHCM căn cứ tình hình thực tế và cũng có tham khảo kinh nghiệm từ Trung ương, các tỉnh để xây dựng và ban hành quy định này.
Sẽ có quy định về tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Theo đồng chí Trần Quốc Trung, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 1629 nhằm xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM trong công tác PCTNTC.
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM do đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Quy định 1629 được ban hành nhằm hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ngoài quy định này, Cơ quan Thường trực cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Quy định số 09 về quy trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo. Dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành quy định về tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh được gửi đến Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Quy định 1629 cũng nhằm bổ sung thêm một giải pháp, công cụ để Ban Chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTNTC trên địa bàn thành phố.
Thực tế, bên cạnh Quy định 1629, hiện Ban Chỉ đạo đã triển khai rất nhiều giải pháp ngăn ngừa, đấu tranh hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn, triển khai 4 đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác PCTNTC theo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Cùng với đó, phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan nội chính thành phố triển khai Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước bị thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đồng thời, triển khai, xây dựng 2 đề án của Ban Chỉ đạo để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phối hợp Công an Thành phố, VKSND Thành phố và Sở Tài chính xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác giám định, định giá tài sản...
Trong khi đó, Điều 5 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTN. Do đó, việc ban hành quy định 1629 có tính chất khuyến khích, động viên người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ PCTNTC theo quy định pháp luật. Ngoài ra, còn có ý nghĩa như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM - là thành phố luôn dựa vào dân, mong muốn có sự đồng hành của người dân trong công cuộc đấu tranh này.
Khó lợi dụng quy định để vu khống, tố cáo nặc danh
Chia sẻ thêm các nội dung báo chí quan tâm về bảo vệ nguồn tin, đồng chí Trần Quốc Trung cho biết, Quy định 1629 quy định rất chặt chẽ việc bảo mật thông tin, sự an toàn cho người cung cấp tin.
Cụ thể, Điều 3 Quy định 1629 nêu nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tại Điều 5 cũng xác định người cung cấp thông tin được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin. Ngoài ra, toàn bộ hồ sơ, thủ tục sẽ được thực hiện theo chế độ mật, chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền xem.
Quang cảnh họp báo |
Quy định 1629 cũng quy định việc bảo vệ người cấp tin. Ngoài ra, Thành ủy đã có Thông tư 28 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Đặc biệt, đồng chí Trần Quốc Trung cho rằng, cơ chế này khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh. Bởi lẽ, người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, do đó, không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh. Người cấp tin cũng phải chịu trách nhiệm tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.
Đồng chí Trần Quốc Trung thông tin, mức chi tối đa 10 triệu đồng/tin, là thực hiện theo Hướng dẫn 53 của Văn phòng Trung ương Đảng đối với Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy và Công văn 900 của Ban Nội chính Trung ương về nghiệp vụ mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
Hiện chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này là nhiều hay ít, có đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không.
Tại buổi làm việc mới đây, Thường trực Thành ủy cũng chia sẻ rất cụ thể: Cán bộ, đảng viên, nhân dân cung cấp thông tin với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, PCTNTC. Cho nên mức chi trả là hình thức khuyến khích, còn mục tiêu cao nhất, chung nhất vẫn là làm sao đạt hiệu quả về PCTNTC.
Thông tin thêm, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM cho biết, từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về PCTNTC vẫn được thành phố triển khai theo các quy định chung, như, qua tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...