Nay con số thống kê của ngành thống kê cao gấp nhiều lần khiến hơn nửa triệu hộ kinh doanh nằm ngoài sổ sách! Do vậy, đã đến lúc cần công khai, số hóa lĩnh vực này…
Cần tin học hóa và liên thông
Thuế khoán là nhóm đối tượng chiếm số lượng đông nhất. Số lượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hàng triệu người, thế nhưng, mỗi năm chỉ nộp cho ngân sách khoảng 2% tổng số thu toàn ngành thuế. Trong khi đó, lực lượng quản lý quá đông và phức tạp. Mỗi phường xã lập hội đồng tư vấn thuế với nhiều đơn vị tham gia như đại diện UBND, đại điện công an, đại diện Mặt trận Tổ quốc và cán bộ quản lý thuế địa bàn. Thế nhưng, khi để thất thu thuế thì không truy ra được “địa chỉ” trách nhiệm. Đã vậy, các phường khác nhau thì ấn doanh số và mức khoán thuế khác nhau. Dẫn đến việc cùng quy mô kinh doanh, nhưng ở các quận khác nhau có mức đóng thuế chênh lệch nhau.
Một chuyên gia cho rằng, với quy trình quản lý thuế như hiện nay, số thu ít nhưng chi phí cao, nhân sự đông, không chuyên trách dẫn đến khó xác định được trách nhiệm, thì cần phải đổi mới. Cụ thể là cần phải tin học hóa, đưa hệ thống thông tin, dữ liệu vào mạng ngay khi người dân đăng ký kinh doanh ở Phòng Kinh tế UBND quận, huyện. Dù là mức doanh số có đủ để nộp thuế hay chưa cũng phải ghi rõ để theo dõi, giám sát. Nhà nước phải chấp nhận con số do người kinh doanh tự khai. Sau đó, cán bộ thuế và các ngành chức năng giám sát thực thi. Bất kỳ tổ chức, cá nhân, người dân nào thấy doanh số được khai không đúng với tình hình kinh doanh thực tế thì báo cáo để cán bộ thuế thanh kiểm tra, nâng - giảm mức thuế phù hợp. Ngoài ra, mọi thông tin phải được công khai trên mạng để những hộ kinh doanh ở những địa bàn khác nhau có thể đối chiếu, người dân có thể giám sát.
Việc cập nhật dữ liệu và công khai này còn giúp giảm chi phí quản lý. Bởi với quy trình quản lý thủ công như lâu nay và quá nhiều nhân sự quản lý, mà số thu không cao như thế thì chi phí quản lý sẽ chiếm phần lớn trong số thu là không hiệu quả. Do vậy, việc quản lý qua hệ thống mạng, có liên kết thống nhất trong ngành và liên thông với những ngành khác sẽ giảm rất nhiều cho công tác điều tra của ngành thống kê. Dữ liệu sẽ được phục vụ chung cho các ngành trong cả nước.
Sẽ rà soát việc chênh hàng triệu cá nhân kinh doanh
Theo số liệu tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số cơ sở kinh tế cá thể là hơn 4,3 triệu cơ sở, trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh đang quản lý thường xuyên của cơ quan thuế năm 2018 chỉ gần 1,7 triệu hộ khiến dư luận xôn xao. Theo lãnh đạo Tổng Cục thuế thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chênh lệch lớn về số liệu là do có sự khác nhau giữa tiêu chí thống kê với tiêu chí quản lý thuế. Vì mục tiêu của cơ quan thống kê là để đánh giá sự phát triển về lao động, thu nhập trong dân cư, từ đó xác định mức độ đóng góp vào GDP, cơ cấu, phân bổ địa bàn... Do vậy, bất cứ thành phần dân cư nào có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê. Trong khi đó, cơ quan thuế chỉ đưa những đối tượng thuộc diện phải nộp thuế như các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, kinh doanh thường xuyên vào quản lý.
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế), hiện nay cả nước còn khoảng 581.700 hộ có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế, chứ không đến mấy triệu lượt hộ như con số báo cáo khác nhau giữa 2 ngành. Bà Phương Lan cho biết, năm 2019, Tổng cục Thuế sẽ đề nghị các đơn vị liên quan đưa các hộ kinh doanh này vào diện quản lý. Cụ thể, cơ quan thuế sẽ rà soát đưa vào diện quản lý thường xuyên đối với các hộ kinh doanh và chỉ những hộ, cá nhân có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế.
Lãnh đạo ngành thuế lý giải, do số lượng hộ kinh doanh quá lớn, nhân lực ngành thuế có hạn, nên việc quản lý thuế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hộ kinh doanh có tính thường xuyên, ổn định, quy mô lớn và vừa, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp. Còn với nhóm hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ đủ bù đắp cuộc sống bản thân và gia đình, cơ quan thuế còn chưa đưa vào diện quản lý như cá nhân kinh doanh không thường xuyên tại chợ tạm, các khu vực giải tỏa, vỉa hè, cá nhân là nghề xe ôm, bốc vác, làm thuê... Do vậy, sau khi loại trừ các nhóm kinh tế cá thể khác tiêu chí quản lý thường xuyên của cơ quan thuế như nêu trên, số liệu chênh lệch chỉ còn 581.700 hộ kinh doanh cần bổ sung vào năm sau.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số nửa triệu hộ kinh doanh không đưa vào sổ sách kia vẫn là quá lớn. Do vậy, cần có phần mềm chung, thống nhất, quản lý tất cả các đối tượng, và kết quả đối tượng nào thuộc diện nộp thuế hay không nộp thuế cũng cần công khai để giám sát.