Tốt nghiệp ngành sư phạm thể thao ở Liên Xô, trở về nước, bà Nguyệt tham gia đội bóng chuyền quốc gia, sau đó về công tác tại Ủy ban Thể dục thể thao, phụ trách phong trào.
Tháng 9-1969, cả nước đau buồn về sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị đã quyết định xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Với thành tích công tác tốt, bà Nguyệt được Ủy ban Thể dục thể thao cử tham gia xây dựng Lăng Bác. Bà Nguyệt kể lại: “Đó là vinh hạnh nhất của đời tôi. Suốt 2 năm, chúng tôi đã lao động với sự trân trọng và nghiêm túc từng phần việc để tỏ lòng kính nhớ Bác Hồ”.
Cách đây hơn 40 năm, bà Nguyệt đưa người cháu đi tham quan Cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Về đến nhà, cháu của bà Nguyệt muốn tìm hiểu thêm các thông tin về Bác. Thế là bà Nguyệt quyết định dành hết tâm sức của mình cho việc sưu tầm các hình ảnh về chân dung và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa để tỏ lòng kính nhớ Bác Hồ, vừa cung cấp những thông tin cần thiết cho thế hệ trẻ về Bác Hồ. Bà Nguyệt lần giở từng trang trong những cuốn sổ tư liệu sưu tầm. Mỗi tấm ảnh trắng đen hay màu đều được bà cẩn thận ép plastic với chú thích rõ ràng.
Vuốt nhẹ từng tấm ảnh trong sổ, bà Nguyệt kể: “Sau khi tham gia xây dựng Lăng Bác, tôi được cấp trên điều chuyển về Bộ Văn hóa, rồi được Bộ Văn hóa cử đi học văn thư lưu trữ và nhận nhiệm vụ quản lý các cơ quan báo chí ở khu vực phía Nam, từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Các môn học trong ngành văn thư lưu trữ đã giúp tôi hệ thống và sắp xếp các ảnh của Bác Hồ theo thời gian cụ thể. Tôi sắp xếp như vậy để con cháu của tôi và mọi người hiểu rõ về cuộc đời hoạt động của Bác, từ một thanh niên với hoài bão lớn đã bôn ba hải ngoại để tìm chân lý giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, cho đến khi là Chủ tịch nước”.
Mới đây, bà Nguyệt đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM 1.800 tấm ảnh tư liệu sưu tầm về Bác Hồ. Ngoài việc làm thầm lặng đáng trân trọng đó, bà Nguyệt còn sưu tầm hơn 400 sách, tư liệu về cuộc đời của Bác Hồ. Bà Nguyệt cho biết thêm: “Tôi đã cao tuổi, ngủ không nhiều. Khoảng nửa đêm tôi lại thức dậy, lọ mọ đọc lại các sách này, càng thêm tâm đắc, thấm thía những lời dạy của Bác Hồ. Hàng ngày, tôi đã vận dụng lời dạy của Bác để làm phương châm sống, giải thích, vận động mọi người, ứng dụng vào những sự việc của thực tế cuộc sống”.
Cách nay hơn chục năm, con gái của bà Nguyệt đã giúp bà thỏa một ước nguyện: đến những nơi mà Bác Hồ đã từng lưu trú trong thời gian Người bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước. Các thủ tục xuất cảnh, xin visa đã được thực hiện trong thời gian ngắn, bà Nguyệt đã đi 8 nước và đến thăm những nơi Bác Hồ đã dừng chân. Bà Nguyệt tâm sự trong niềm hạnh phúc: “Đến những nơi đó, tôi cảm nhận và trân trọng tấm lòng của Bác Hồ với Tổ quốc, quê hương. Việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ là một việc nhỏ để tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của Người”. |