Học Bác từ những điều giản dị nhất
Ông Nguyễn Anh Kiệt cho biết, năm nào ông cũng đến thăm Bến Nhà Rồng mấy lần, đều vào các ngày kỷ niệm. Mỗi lần là một cảm xúc rất khác. “Như dịp 5-6, chỉ cần đặt chân vào khuôn viên bảo tàng, tim tôi đã rung lên từng nhịp bởi sự nhắc nhớ về nơi in đậm dấu chân của một thanh niên 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước, mà hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc”, ông Kiệt tâm sự.
Bằng tình yêu và sự kính trọng dành cho Bác, ông Kiệt không ngừng học tập và làm theo Người cả trong cuộc sống, khi còn công tác và nay tham gia vào các hoạt động ở khu phố. Đặc thù của khu phố 3 (còn gọi là khu Cầu Muối) trước đây là địa bàn cư ngụ của nhiều dân “anh chị”, an ninh trật tự luôn là vấn đề nóng. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, tình hình an ninh trật tự khu Cầu Muối chuyển biến rõ rệt. Đảm nhiệm vai trò Trưởng khu phố 3, ông Kiệt quyết tâm phải chuyển hóa địa bàn. Học Bác Hồ ở tính kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, ông Kiệt động viên những người nghiện ma túy đi cai nghiện và chia sẻ, giúp đỡ người hoàn lương hòa nhập cộng đồng. Bằng sự thăm hỏi, động viên và nhất là chạm đúng mong muốn của họ, nhiều người từng thuộc “thành phần bất hảo” đã được ông cảm hóa.
Như anh A.Q.H, từ một thanh niên chỉ biết tụ tập bạn bè hút xách, phá làng phá xóm, nay đã trở thành người đàn ông chững chạc, có việc làm ổn định và được doanh nghiệp tín nhiệm. Thương H. sớm mồ côi rồi dính vào ma túy, ông Kiệt tìm cách tiếp cận, tỉ tê khuyên anh đi cai nghiện. “Ngày H. trở về cũng là ngày tôi xác định phải theo thật sát, phải uốn nắn cậu ấy thành người lương thiện”, ông Kiệt nói. Ông bảo, sự trưởng thành của anh H. hôm nay là món quà lớn mà ông nhận được.
Một trường hợp khác, ông Đ.V.C được biết đến là tay “anh chị” tiếng tăm một thời ở khu Cầu Muối, từng phải đi cải tạo hơn 20 năm. Ấy thế mà ông Kiệt cũng đã cảm hóa, kéo ông C. trở thành cơ sở của chi bộ, của khu phố. Nhiều năm nay, ông C. là nguồn tin về những đối tượng bất hảo xuất hiện trong khu phố.
Vị trí nào cũng phải phấn đấu
“Các bạn trong nhóm ổn hết không em? Tình hình có khó khăn gì thì báo chị ngay nhé!”. Khi nghe đầu dây bên kia trả lời mọi việc diễn ra tốt, bác sĩ (BS) Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu y sinh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) thở nhẹ nhõm. Xong cuộc điện thoại với trưởng nhóm sinh viên tình nguyện hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các điểm cách ly, BS Nguyệt Thanh tiếp tục điện thoại vận động kinh phí hỗ trợ tấm chắn giọt bắn tặng các y bác sĩ tuyến đầu. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã vận động được nguồn kinh phí kha khá để tiếp tục gửi các tấm chắn giọt bắn đến tuyến đầu chống dịch”, BS Nguyệt Thanh chia sẻ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BS Nguyệt Thanh tham gia điều phối nhóm sinh viên của trường thực hiện nhiệm vụ lấy các mẫu bệnh phẩm. Theo BS Nguyệt Thanh, mỗi người một nhiệm vụ để góp sức vào trận tuyến cam go này. Với thế mạnh của mình, từ khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh trong đợt 1, BS Nguyệt Thanh đã tham gia phân tích ổ dịch để TPHCM có kế hoạch ứng phó; đồng thời tham gia viết các chuyên đề phòng chống dịch tại trường học, doanh nghiệp.
Là người con đất quận 4, từ nhỏ, Nguyệt Thanh đã được ba mẹ đưa đi tham quan Bến Nhà Rồng, được nghe những câu chuyện về người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đầy gian truân. Rồi qua phong trào Đội, Đoàn, Thanh càng hiểu thêm về sự hy sinh vĩ đại của Bác Hồ cho quê hương, dân tộc. Từ những câu chuyện ấy, Nguyệt Thanh thêm động lực rèn luyện, vượt qua khó khăn để làm tốt nhất nhiệm vụ. Nhờ tinh thần ấy mà ở tuổi 26, Nguyệt Thanh sở hữu nhiều thành tích nổi bật trong học tập cũng như hoạt động cống hiến. Đặc biệt, Nguyệt Thanh được đi qua nhiều nước với vai trò đại diện thanh niên Việt Nam tham dự các chương trình giao lưu văn hóa, diễn đàn quốc tế. Những dịp này, BS Nguyệt Thanh có cơ hội lan tỏa các câu chuyện đẹp của thanh niên Việt Nam ra thế giới.
Ở một vị trí khác, anh Huỳnh Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội vệ sinh môi trường (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6) luôn trăn trở để đưa ra những sáng kiến phục vụ tốt nhất công việc, giúp người công nhân đỡ vất vả. Thấy nhiều công nhân bị viêm da, bệnh phổi, anh nảy ra ý tưởng thực hiện bộ quần áo bằng vải da simili chuyên dụng cho công nhân xuống hầm ga nạo vét cống. Qua thử nghiệm, cơ bản giảm khoảng 80% chất độc hại xâm nhập vào cơ thể người lao động, từ đó, công ty may đại trà cấp cho nhân viên.
Gắn bó với công việc gần 30 năm, anh Thanh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến giúp người lao động được an toàn. Theo anh Thanh, nếu không có đam mê, kiên trì và yêu nghề thì khó trụ được với công việc. “Năm 20 tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Dù biết phía trước là vô vàn khó khăn, thậm chí hy sinh tính mạng nhưng bằng lý tưởng, tình yêu đất nước, dân tộc, Người chấp nhận hy sinh. Khi gặp khó khăn trong công việc, lý tưởng của chàng trai 20 tuổi năm ấy luôn là ngọn đuốc giúp tôi soi lại mình, là tấm gương để tôi nhìn vào phấn đấu, vượt mọi khó khăn”, anh Thanh trải lòng.
Đầu năm 2021, dịp 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, BS Đỗ Phạm Nguyệt Thanh có cơ hội được đến thăm hang Pác Bó (tỉnh Cao Bằng). Được tận mắt nhìn thấy nơi Bác đặt chân trở lại quê hương sau bao ngày bôn ba xứ người, BS Nguyệt Thanh thấy mình càng thêm động lực để phấn đấu. “80 năm trước, điều kiện khó khăn như thế, Bác và các đồng chí của mình đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc. Giờ đây, trong điều kiện đủ đầy, tuổi trẻ chúng tôi càng phải phấn đấu để cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Nhất là khi gặp việc khó thì càng phải kiên trì vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”, BS Nguyệt Thanh bày tỏ. |