Học sinh này viết: “Em là học sinh lớp 11. Giáo viên nói chương trình mới giảm bớt lượng bài tập, chủ yếu làm sao cho học sinh hiểu bài. Em không biết có giảm bớt hay không nhưng hiện tại tuần nào em cũng phải thuyết trình ít nhất một lần. Nếu chia theo nhóm nhiều người thì phần việc của em còn đỡ, nếu nhóm từ 2-4 người thì việc soạn nội dung, làm file trình chiếu thật sự rất mệt, có tuần em phải thuyết trình đến 4-5 lần. Hàng ngày em học ở trường 8-9 tiết, sau giờ học chỉ học thêm 2 môn, về đến nhà lao đầu vào làm bài thuyết trình, có lúc phải nghỉ học thêm hoặc nhờ bạn trong nhóm làm giúp. Đêm nào em cũng thức đến gần sáng, có hôm không được ngủ, cả ngày lao đầu vào học mà không làm được gì khác, vài tháng nữa chắc em không chịu nổi…”.
Bài viết nhanh chóng nhận được đồng cảm, chia sẻ của nhiều học sinh. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, triển khai bài học theo hình thức thuyết trình hướng đến mục tiêu tốt là phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên, phương pháp này cần được kết hợp với nhiều hình thức học tập khác như làm trắc nghiệm, trả lời câu hỏi trên phiếu học tập chứ không nên môn nào cũng thuyết trình, nhất là với các môn đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành như Vật lý, Hóa học, Sinh học…
Ngoài ra, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT (lớp 10-12) là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi học sinh phải có nhiều thời gian nghiên cứu, đào sâu kiến thức cho các môn học thuộc tổ hợp lựa chọn chứ không học dàn trải tất cả môn như giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1-9).
Thời điểm hiện tại, xã hội đang trông chờ phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian đó, giáo viên và học sinh vẫn loay hoay với phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần sớm ban hành quy chế thi chính thức nhằm giúp các trường có định hướng rõ ràng trong triển khai dạy và học, tránh tình trạng “dạy đủ - học trọn” như hiện nay gây quá tải cho học sinh. TPHCM đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, bản thân mỗi giáo viên phải chủ động thay đổi phương pháp dạy học, khơi gợi được hứng thú học tập của học sinh.