Việc giao EVN, PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Thủ tướng

Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, cuối buổi sáng 19-2, phóng viên bày tỏ băn khoăn việc Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bỏ tên cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) trong vai trò chủ đầu tư, khác với dự thảo ban đầu.

 TÙNG- HB.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì và phát biểu tại cuộc họp báo, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, theo quy định, nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về cơ chế, chính sách mà không nêu cụ thể doanh nghiệp.

Ông cho biết chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được điều chỉnh (dự kiến tới kỳ họp vào tháng 5-2025 Quốc hội mới xem xét việc này - PV), nên chưa có cơ sở đưa tên cụ thể doanh nghiệp làm chủ đầu tư 2 nhà máy.

“Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Do đó, việc giao EVN, PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Thủ tướng”, ông nói.

TUẤN.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trả lời tại cuộc họp báo, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước đó, ngày 17-2, tại phiên thảo luận ở hội trường Diên Hồng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN, đại biểu Quốc hội Cà Mau đề nghị, cơ chế đặc thù cần dứt khoát có tên chủ đầu tư dự án, cụ thể là EVN và PVN, để “rõ người, rõ việc”. Theo ông, đây là dự án siêu lớn, nhiều cơ chế được thực hiện song song với thủ tục chuẩn bị đầu tư. “Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể, chúng tôi sẽ không làm được vì sau khi được duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó”, ông Nguyễn Mạnh Hùng trần tình.

Tại cuộc họp báo, nội dung khác được phóng viên đặt ra là Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã không quy định về chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách các ủy ban của Quốc hội mà chỉ quy định về các ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách và ủy viên là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Vậy, chế độ, chính sách của các chức danh này sẽ được thực hiện như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên trả lời tại cuộc họp báo, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên trả lời tại cuộc họp báo, sáng 19-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) mới được thông qua quy định Hội đồng Dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng Dân tộc.

Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại ủy ban và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của ủy ban.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn danh sách các phó chủ nhiệm, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của 6 ủy ban mới thành lập. Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên như vậy, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban, đại biểu.

Chế độ, chính sách thì thực hiện theo Nghị định 178 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ.

“Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống theo quy định của Đảng, Nhà nước", bà Tạ Thị Yên nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục