Qua từng việc làm có ích mỗi ngày, họ càng thấm nhuần lời Bác dạy: Người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm…
“Bà đỡ” của người lầm lỡ
Nhận cuộc điện thoại lúc gần 12 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Hồng Hảo, Tổ trưởng Tổ dân phố 14, khu phố 1, phường 1 quận 10 (TPHCM), vội dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Nhiều năm nay, không biết bao nhiêu lần bà đã phải ra khỏi nhà vội vã như thế. Vài phút sau, đứng trước cửa nhà chị V. - một phụ nữ lầm lỡ, bà Hảo đã nghe tiếng sụt sùi bên trong.
“Ổng nhậu về, mắng chửi, rồi lại đánh em. Em đã cố gắng làm lại cuộc đời, nhưng khó quá”, tiếng chị V. xen lẫn trong từng tiếng nấc nghẹn. Bằng những cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng, bà Hảo đã trấn an được tinh thần chị V. và sau hơn một giờ đồng hồ ngồi khuyên nhủ, bà Hảo đã giúp chị V. tĩnh tâm, vui vẻ trở lại.
Không chỉ làm tổ trưởng, bà Hảo còn kiêm nhiệm vụ của hội phụ nữ, mặt trận khu phố, cộng tác viên Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương, nên nhiều năm qua bà đã hỗ trợ rất nhiều phụ nữ lầm đường lạc lối, nhiễm HIV, bị bạo hành…, có việc làm, tìm lại con đường sống.
Với thâm niên làm công tác đoàn thể hơn 20 năm, có nhiều mối quan hệ, địa phương lại có khu chợ bán hoa, vậy là bà Hảo làm công tác kết nối để chị em tái hòa nhập có việc làm, có thu nhập. Ai cần vốn để mua bán nhỏ, bà lại đứng ra giới thiệu cho vay vốn. Nhờ đó, nhiều chị đã dần ổn định cuộc sống.
Tại khu phố 2, phường 9 quận 4 (TPHCM), mỗi khi thấy bà Mã Thị Đan Phượng (57 tuổi), người già, trẻ nhỏ đều gọi tên trìu mến. Bởi người dân quá quen thuộc hình ảnh người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé hôm thì đến nhà người này, hôm lại đến nhà người kia thăm hỏi, giúp đỡ. Nhiều gia đình có con vướng vòng tù tội, ma túy, bị nhiều người xa lánh, bà Phượng cũng tìm đến.
“Sống trong dân, tôi hiểu trăn trở của những gia đình có con nghiện ngập, tù tội. Họ buồn lắm, cảm thấy tủi nhục lắm. Rồi cứ thế mà sống khép kín. Nếu mọi người đều không mở lòng ra để hiểu, không động viên, tương trợ, thì làm sao họ có thể vượt qua.
Rồi khi người lầm lỡ trở về với cộng đồng, gia đình họ phải làm lại cuộc đời như thế nào”, bà Đan Phượng trăn trở. Rồi từ đó, bà vận động người dân cùng chung tay giúp đỡ người hòa nhập cộng đồng. Bằng tấm lòng của người mẹ, khi có người tái hòa nhập, bà lại tìm đến gặp để lắng nghe điều họ mong muốn.
“Hầu hết các cháu đều mong mọi người đừng xa lánh, xem mình là tội phạm nữa để bản thân có động lực bắt đầu lại cuộc sống. Rồi có cháu muốn được học nghề, có vốn làm ăn, được xóa án tích… Khi hiểu tâm tư của các cháu, tôi bắt đầu tìm cách kết nối, hỗ trợ”, bà Phượng chia sẻ.
Niềm vui của bà Phượng và bà con khu phố chính là từ tình thương, tấm lòng của mọi người mà những người từng vi phạm pháp luật dần tốt lên mỗi ngày.
Như trường hợp của T., khi thụ hình xong bản án về tội mua bán ma túy về lại địa phương, bà Phượng đã khuyên nhủ, hỗ trợ vay ít vốn giúp vợ T. mở quán cà phê. Giờ ngày ngày, ngoài phụ vợ ở quán, anh T. còn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.
Với bà Phượng, những việc bà làm đều nhờ thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: Cán bộ dân vận phải nói dễ hiểu, dễ nghe, sống gương mẫu, không cá nhân. Bà luôn nhìn tấm gương giản dị của Bác Hồ mà thực hành vào công việc hàng ngày của mình.
Khi dân thuận thì việc gì cũng dễ dàng
Không chỉ hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, mà hầu hết việc khó của người dân trong tổ, bà Hảo đều có mặt. Từ chuyện ma chay, bệnh tật, chăm sóc người già neo đơn, học hành của con trẻ, xin bảo hiểm y tế, mổ tim…, cứ ai gặp khó, bà Hảo đều hỗ trợ.
Mọi người trong tổ hay nói đùa, khi nào làm lại con hẻm, bà Hảo phải góp tiền cao nhất, bởi bà là người đi con đường này nhiều nhất.
“Việc tôi làm chỉ là kết nối nhu cầu các bên lại với nhau, chứ không to lớn gì. Việc có ích cho mọi người mà mình chỉ mất ít thời gian thì cớ gì không làm”, bà Hảo cho biết.
Niềm vui của bà Hảo là trong xóm có vài cô, cậu nhóc khi gặp bà lại gọi “má Hảo”, bởi ngày xưa, nửa đêm bà đưa mẹ chúng đi sinh. Rồi có người nhờ được bà giúp mổ tim nay đã trưởng thành, có việc làm để nuôi ba mẹ.
Nhắc về những việc làm “bao đồng” của mình, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 6, phường Bến Nghé (quận 1), bảo: “Có cái tâm vì mọi người thì sẽ làm được”. Năm nay dù đã 70 tuổi, bà Thanh vẫn cùng cán bộ phụ nữ, trật tự đô thị ra “đứng đường” để lặp lại trật tự lòng lề đường.
“Việc làm này nói thì dễ nhưng để làm tốt thì phải sâu sát, tìm hiểu tâm tư, trăn trở của từng hoàn cảnh người buôn bán. Từ đó có cách thuyết phục họ đến nơi buôn bán mới, hoặc vay vốn chuyển đổi ngành nghề. Ai cũng cần ổn định cuộc sống, nếu cách làm của chính quyền thuyết phục thì họ sẽ nghe”, bà Thanh cho biết.
Dù tuổi cao, nhưng bà Thanh rất nhanh nhẹn trong giải quyết công việc của dân. Ai có việc cần đến, bà không bao giờ từ chối. Bà còn trích lương hưu của mình để giúp người buôn bán có người thân bệnh nặng. Trong suy nghĩ của bà Thanh, làm công tác dân vận việc khó nhất chính là tiếp cận dân, giúp dân hiểu về các chủ trương, chính sách. Và khi dân đã thuận thì việc gì cũng trở nên dễ dàng.